Stress cũng dẫn tới hành vi bạo lực
Nói về tình trạng bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, luật sư Đặng Văn Thành, chuyên gia pháp lý (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) thẳng thắn nói: “Chúng ta không nên đổ lỗi tại ngành giáo dục hay do gia đình và xã hội, nên coi đây là phản xạ tự nhiên dễ nảy sinh ở lứa tuổi mới lớn, xuất phát từ 2 nguyên nhân: hậu quả của bệnh thành tích trong giáo dục và sự kỳ vọng quá lớn của các gia đình vào con em”.
Theo ông Đặng Văn Thành, học sinh hiện phải chịu áp lực học tập quá lớn bởi chương trình sách giáo khoa nặng, thiên về “học thuộc” và không còn ý nghĩa thực hành. Các em bị stress do lượng bài tập giao về nhà quá lớn, không còn quỹ thời gian để nghỉ ngơi, chưa nói đến thư giãn, giải trí, rèn luyện kỹ năng sống…
Do đó theo luật sư này, cần tạo một môi trường học tập vui vẻ, thoải mái, nơi các em được sáng tạo, làm những thứ mình yêu thích, có như vậy sẽ góp phần hạn chế hành vi bạo lực phát sinh.
Còn theo ThS - Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, hiện nay, Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường đang có hiệu lực. “Cần nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân; giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại; tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học; công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường”, luật sư Đặng Văn Cường đề nghị.
Tạo sân chơi bổ ích
Theo luật sư Đặng Văn Thành, thay vì cách làm cũ, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông như: Tổ chức in ấn phẩm để phân phát cho học sinh; phát động cuộc thi báo tường, thi vẽ tranh biếm họa về chủ đề ‘Nói không với bạo lực học đường’...
Đặc biệt cần tận dụng xu thế sử dụng mạng xã hội, có người quản trị nội dung để kêu gọi tổ chức cuộc thi ảnh, clip hài hước, lành mạnh mang ý nghĩa phê phán cái xấu, cổ vũ hành động đẹp. Quản trị viên có trách nhiệm định hướng bình luận có tổ chức, tạo thành diễn đàn tranh luận sôi nổi, trào lưu (hot trend) qua đó lồng ghép mục tiêu giáo dục cho lớp trẻ.
Phía các trường học nên tổ chức sinh hoạt ngoại khóa (team-building) với các trò chơi có nội dung lồng ghép “Nói không với bạo lực”; nghiên cứu để đưa các buổi sinh hoạt này vào thời khóa biểu chính thức (lồng ghép vào giờ học của môn Thể dục và môn học Giáo dục công dân). Sau mỗi buổi sinh hoạt có phát phiếu khảo sát với dạng câu hỏi trắc nghiệm để giáo viên chấm lấy điểm cho môn Giáo dục công dân.
Bên cạnh nhà trường, các tổ chức đoàn, hội cũng có vai trò quan trọng không kém trong việc tạo sân chơi bổ ích cho các em học sinh.
Theo bà Hoàng Tú Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội TƯ – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thiếu nhi Việt Nam, Hội đồng Đội TƯ đã tổ chức những diễn đàn trong thiếu nhi, triển khai rộng khắp cả nước diễn đàn “Xây dựng tình bạn bè, nói không với bạo lực học đường”. Tới đây, tăng cường nhiều hơn nữa về tuyên truyền pháp luật cho các em, đặc biệt là các em cấp 2, học sinh cuối cấp.
Hướng dẫn cho các em kỹ năng, cách phòng vệ để phòng trách bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em. Mô hình “Hòm thư vì tương lai bè bạn”, viết những thông tin, hiện tượng xấu trong nhà trường của bạn bè để thông tin đến giáo viên…
“Chứng kiến những thông tin về bạo lực học đường thời gian qua, chúng tôi rất đau lòng và luôn luôn có hoạt động kịp thời đối với các nạn nhân của hành vi bạo hành đó. Hội đồng Đội TƯ trong thời gian vừa qua cũng triển khai rất nhiều hoạt động, tuy nhiên có thể chưa tới và dự kiến trong thời gian tiếp theo sẽ tăng cường hơn”, bà Tú Anh nói.
Bà Tú Anh đề nghị không chỉ riêng một ngành hay một cấp nào mà phải hành động đồng bộ từ trung ương đến cơ sở để có những giải pháp, hoạt động thiết thực.
Liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở Đoàn nơi diễn ra các hành vi bạo lực học đường, ông Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Thanh niên Trường học TƯ Đoàn cho biết với những trường hợp bạo lực nghiêm trọng, TƯ Đoàn sẽ yêu cầu các cơ sở Đoàn phải báo cáo. Nếu thực sự cơ sở Đoàn không theo sát, nắm bắt tình hình, thiếu sát sao dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì sẽ phải chịu một phần trách nhiệm.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Minh Triết, về cơ bản những vụ việc bạo lực học đường đó chỉ là số ít. Đa phần học sinh, thanh niên hiện nay có đạo đức tốt, dành thời gian chủ yếu cho học tập.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Triết, muốn ngăn ngừa các hành vi bạo lực học đường, giải pháp căn cơ nhất là phải tạo một môi trường học tập lành mạnh, vui tươi, với không khí học tập vui vẻ, cởi mở, tạo nhiều sân chơi bổ ích cho các em học sinh để các em không dành thời gian cho các hoạt động vô bổ như tụ tập đàn đúm, đánh nhau, quậy phá… Trong đó, vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên là rất quan trọng.