Mỗi giáo viên là một “nhà giáo dục”
Cô N.H, hiệu phó của một trường THCS tại Hà Nội tâm sự, chính cô cũng đã từng bột phát nổi giận, thậm chí đến mức muốn tát một học sinh khi em này thường xuyên quậy phá.
"Đang giờ học mà học sinh lớp 7 này ngang nhiên ngồi quay lưng vào bảng, bật loa di động, ngồi nghe nhạc, giáo viên nhắc thì tỏ thái độ bất cần" - cô H.H bức xúc kể lại. Cô gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm phản ánh sự việc. Cơn nóng giận từ cô H chuyển sang giáo viên chủ nhiệm, và giáo viên chủ nhiệm bốc điện thoại gọi điện ngay cho bố mẹ em học sinh, yêu cầu đến đón con về.
“Từ cơn nóng giận đến thái độ gạt bỏ trách nhiệm về phía gia đình là một chuỗi hành động có ranh giới rất mỏng manh”- nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), nhận xét. Theo nhà giáo Nguyễn Văn Hoà, trước mọi vấn đề của các em học sinh, giáo viên không nên quá thiên về đánh giá về đạo đức và kỷ luật mà nên xem đây là tâm lý lứa tuổi học sinh, tâm lý giáo dục của nhà trường và giải quyết nó dưới góc độ tâm lý giáo dục. Nhà giáo có nghiệp vụ sư phạm tốt sẽ có cách ứng xử hài hòa trong mọi tình huống sư phạm.
Thầy Nguyễn Văn Hòa chia sẻ: Điều quan trọng là các trường không nên yêu cầu giáo viên phấn đấu thi đua để trở thành giáo viên dạy giỏi mà giáo viên phải phấn đấu là một nhà giáo dục, một nhà tâm lý. Một trường học mà có mấy chục nhà giáo như vậy thì có mấy chục nhà tâm lý. Còn như hiện nay, cả trường chỉ trông chờ vào 1 - 2 người làm công tác tâm lý sẽ không thể giải quyết hết được các vấn đề.
Thạc sĩ Bùi Thị Nga, chuyên viên Phòng tâm lý trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), khẳng định, phòng tư vấn tâm lý học đường với những chuyên viên có chuyên môn là cần thiết, nhưng giáo viên chủ nhiệm vẫn là người then chốt trong việc tháo gỡ vướng mắc của học sinh.
"Ví dụ ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước khi phải nhờ đến sự hỗ trợ từ Phòng tâm lý, một giáo viên chủ nhiệm có thể chuyển biến được 1-3 học sinh mỗi năm. Họ gần gũi các em nhất nên sẽ dễ tiếp cận. Chỉ trường hợp cực kỳ đặc biệt, muốn gặp thầy cô tâm lý, giáo viên chủ nhiệm mới phối hợp", Ths Bùi Thị Nga nói.
NGƯT.TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội chia sẻ, tâm sinh lý, tình cảm của các em học sinh ngày càng phức tạp, nhưng giáo viên chủ nhiệm chưa nắm bắt được. Giáo dục giáo điều không đem đến được những tác động sâu sắc về mặt tâm hồn, không giúp học sinh nhận thức được đúng-sai. Bên cạnh đó, trong công tác tổ chức quản lý, các nhà trường chưa đẩy mạnh được việc khuyến khích những điều tích cực, đấu tranh với cái xấu. Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm hiện nay chỉ quen chỉ thị nhưng không phát hiện, không kiểm tra nên không nắm bắt kịp thời sự việc. Đây chính là những nguyên nhân làm gia tăng bạo lực học đường.
Thầy cô thân thiện, học sinh hạnh phúc
Từ chính thực tế của trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), thầy Nguyễn Văn Hoà chia sẻ thêm, việc đưa giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống vào trong nhà trường, giúp thầy cô xử lý vấn đề của mình tốt hơn đã khiến trường học trở nên thân thiện hơn, học sinh hạnh phúc hơn.
“Ở trường chúng tôi có 3 mục tiêu: xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện, học sinh đến trường phải được hạnh phúc, học sinh đến trường đều được tiến bộ. Cô giáo, nhà trường quan tâm đến hạnh phúc của học trò thì bạo lực sẽ giảm dần, sẽ không hết được nhưng từ chuyện to thành nhỏ, từ nhỏ thành không có gì. Tôi cho đây là cách giải quyết hiệu quả trong đối với vấn đề bạo lực học đường” - thầy Nguyễn Văn Hòa phân tích.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, vai trò của giáo viên chủ nhiệm hiện nay trong các vụ việc bạo lực học đường đang bị xem nhẹ. “Giáo viên chủ nhiệm đúng là có trách nhiệm trong việc xảy ra bạo lực học đường, nhưng việc quy hoàn toàn trách nhiệm cho họ là chưa thỏa đáng. Phải quay lại để nhìn nhận rằng người ta đã được đào tạo về tư vấn tâm lý học đường chưa, vai trò của người ta đã được tôn trọng chưa. Hiện mỗi tuần giáo viên chủ nhiệm phải có 4 tiết không có kinh phí. Vì thế, tôi cho rằng cần phải thay đổi chính sách. Luật giáo dục cần phải đưa vào phần nhà giáo có chức danh giáo viên chủ nhiệm, họ phải là nhà sư phạm như thế nào, được tôn vinh ra sao, đãi ngộ như nào..., cần quy định rõ”- NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Trong Tọa đàm trực tuyến của toàn ngành giáo dục về đảm bảo an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, bạo lực học đường phải được chú trọng từ khâu phòng ngừa. Ngành GD&ĐT cần chủ động, tích cực, tập trung vào các giải pháp để phòng bạo lực học đường là chính chứ không phải chỉ nặng về xử lý.
Các trường từ mầm non đến phổ thông phải cụ thể hóa các chương trình này bằng kế hoạch giáo dục của mỗi nhà trường. Trong đó, phân công rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu, ban giám hiệu và các vị trí quan trọng khác trong nhà trường như giáo viên chủ nhiệm, người làm công tác Đoàn, Hội và từng giáo viên…
Ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, giáo viên và mỗi nhà trường phải là những người sát sao nhất, tìm hiểu, giải tỏa các mâu thuẫn, nắm bắt được từng hoàn cảnh tâm tư của học sinh cần sự quan tâm đặc biệt hơn, nhân rộng những cách làm tốt, hiệu quả trong xây dựng mối quan hệ thầy cô giáo và học sinh.
Để giải quyết vấn đề từ phía giáo viên, TS Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ giáo dục công tác học sinh, sinh viên cho biết, năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm. Đặc biệt, các trường phải cử giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh.