Tổng hợp COVID-19 từ ngày 15-21/11: Các ca F0 trong cộng đồng tăng cao, các địa phương siết biện pháp phòng dịch

Trong tuần qua, thông tin được dư luận quan tâm gồm: Các địa phương siết chặt biện pháp chống dịch do số F0 trong cộng đồng tăng cao; Các huyện, thị xã của Hà Nội sẵn sàng đón học sinh lớp 9 trở lại học trực tiếp từ ngày 22/11; Sớm nối lại đường bay thương mại quốc tế và sử dụng hộ chiếu vaccine...

Các địa phương siết chặt biện pháp chống dịch do số F0 trong cộng đồng tăng cao

Sau hơn 1 tháng đầu tiên thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Cả nước ghi nhận 105.543 ca F0 cộng đồng, trong đó khu vực phía Nam ghi nhận 90.442 ca, chiếm 85,6% cả nước.

Chú thích ảnh
Chốt kiểm soát người dân ra vào phường Lạc Đạo, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận).  Ảnh: TTXVN.

So với tháng trước đó, số ca F0 cộng đồng cả nước tăng 2,9%, số ca tử vong giảm 46,3%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 25,3%; số ca nặng, nguy kịch giảm 40,8%.

Ban Chỉ đạo nhận định, đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước (trong tuần số mắc cộng đồng tăng tại 35 tỉnh, thành phố) do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch,

Các ổ dịch tập trung tại các địa bàn tập trung dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.

Trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus.

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm cộng đồng tăng cao liên tục trong nhiều ngày qua, nhiều địa phương trong cả nước đã siết chặt một số hoạt động trên địa bàn.

Các huyện, thị xã Hà Nội sẵn sàng đón học sinh lớp 9 trở lại học trực tiếp từ ngày 22/11

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến 17 giờ chiều 21/11, tổng hợp báo cáo của các Phòng Giáo dục và Đào tạo của 17 huyện, thị xã cho thấy, các trường học đã hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh lớp 9 trở lại trường học trực tiếp từ sáng 22/11 sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Các phòng học đều được vệ sinh, khử khuẩn. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN.

Theo đó, đối chiếu các quy định và tiêu chí của thành phố, hướng dẫn liên ngành Giáo dục và Đào tạo - Y tế, qua rà soát, kiểm tra, các trường đều bảo đảm các tiêu chí trường học an toàn. Các trường cũng đã xây dựng phương án dạy học phù hợp với thực tế của từng đơn vị, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xử lý tình huống khi phát hiện trường hợp học sinh, giáo viên có yếu tố dịch tễ khi đang dạy, học tại trường.

Học sinh đi học trở lại trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, do đó, các trường chủ động có phương án sẵn sàng ứng phó, chuyển trạng thái dạy học nếu bất ngờ xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng có liên quan đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh với tinh thần cố gắng ở mức cao nhất để việc dạy học không bị gián đoạn.

Ngày 21/11, Việt Nam có 9.889 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tăng nhẹ so với ngày trước đó

Tính từ 16 giờ ngày 20/11 đến 16 giờ ngày 21/11, Việt Nam ghi nhận 9.889 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 5.163 ca khỏi bệnh.

Trong số các ca nhiễm mới, có 7 ca nhập cảnh và 9.882 ca ghi nhận trong nước (tăng 364 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố (có 5.361 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Đắk Lắk (giảm 205 ca), Bình Phước (giảm 101 ca), Tiền Giang (giảm 100 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: TP Hồ Chí Minh (tăng 219 ca), Bà Rịa Vũng Tàu (tăng 171 ca), Cần Thơ (tăng 140 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 9.616 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.094.514 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 11.107 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.089.411 ca, trong đó có 902.683 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Từ 17 giờ 30 ngày 20/11 đến 17 giờ 30 ngày 21/11, cả nước ghi nhận 76 ca tử vong tại: Bình Dương (15), Long An (8 ), An Giang (7), Đồng Nai (7), Tiền Giang (6), Cần Thơ (6), Tây Ninh (5), Kiên Giang (5), Sóc Trăng (4), Bạc Liêu (4), Bình Thuận (3), Đồng Tháp (2), Vĩnh Long (2), Quảng Ngãi (1), Cà Mau (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 97 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.761 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm.

Sớm nối lại đường bay thương mại quốc tế và sử dụng hộ chiếu vaccine

Chiều 18/11, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra theo hình thức trực tuyến, chia sẻ thông tin về kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thông lệ và việc sử dụng hộ chiếu vaccine, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

Triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp tạo điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân trở lại trạng thái bình thường mới.

Trên tinh thần đó, ngày 8/11, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch nối lại các chuyến bay thông lệ quốc tế với các nước theo lộ trình từ nay đến quý III/2022 nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không. Cùng với đó, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch cho các địa phương và toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi và từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cho người dân, góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế trong trạng thái bình thường mới.

Cũng theo Người Phát ngôn, vừa qua, Chính phủ cũng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Ngoại giao về việc áp dụng hộ chiếu vaccine, đồng ý về nguyên tắc mở rộng đối tượng được nhập cảnh Việt Nam có mang hộ chiếu vaccine, trong đó có người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân về nước để thăm thân, tham quan, du lịch như được quy định tại Nghị định 82 của Chính phủ về việc miễn thị thực cho người Việt Nam nước ngoài và người nước ngoài là vợ/chồng/con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hoặc công dân Việt Nam.

TP Hồ Chí Minh sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19

Trước tình hình số ca nhiễm mới tại TP Hồ Chí Minh tăng trở lại, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả bệnh viện chủ động rà soát, bổ sung cơ số thuốc, vật tư tiêu hao, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận và điều trị người bệnh COVID-19.

Sở Y tế cũng đã có công văn khẩn gửi đến các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố về việc sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới.

Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo lãnh đạo các bệnh cần quán triệt đến từng nhân viên trong bệnh viện có nhận thức đúng về “Bệnh viện xanh” trong giai đoạn bình thường mới.

“Bệnh viện xanh” không phải là “Bệnh viện không có COVID-19”, mà là bệnh viện được tổ chức và vận hành theo các quy trình an toàn, tuân thủ nghiêm các quy định về sàng lọc, phân luồng, cách ly và có khu vực luôn sẵn sàng để thu dung điều trị người bệnh COVID-19, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

XM/Báo Tin tức
Thực hiện 7 nhóm giải pháp phục hồi, phát triển thị trường lao động
Thực hiện 7 nhóm giải pháp phục hồi, phát triển thị trường lao động

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang xây dựng dự thảo chương trình phục hồi, phát triển thị trường lao động gồm 7 nhóm giải pháp lớn, trong đó tập trung việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN