Theo Bộ LĐTBXH, trong năm 2021, thị trường lao động nước ta phải đối mặt với những tác động tiêu cực khi số người có việc làm giảm sâu, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao. Đồng thời, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so quý trước và cùng kỳ do những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay.
Trong quý III, người lao động bị tác động nhiều nhất với 4,7 triệu lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; trên 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm. Đặc biệt, vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng rất nặng nề với 4,59% lao động vùng Đông Nam bộ có và 44,7% lao động vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng do ngừng việc, giãn việc, nghỉ việc.
Theo ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, cơ cấu việc làm và chuyển dịch bị đảo chiều. Từ đầu năm, lĩnh vực nông lâm thủy sản tăng, lĩnh vực dịch vụ công nghiệp giảm, ngược lại với chuyển dịch cơ cấu việc làm thông thường. Cụ thể, số lao động trong ngành nông lâm thủy sản thời gian qua là 14,5 triệu người, tăng lên 479.000 người so với cùng kỳ năm 2020. Lao động có việc làm ngành công nghiệp và xây dựng giảm 960.000 người, trong khi ngành dịch vụ giảm 2-3 triệu lao động so với cùng kỳ năm trước.
Bộ LĐTBXH đang dự thảo chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với 7 nhóm giải pháp kèm theo những cơ chế, tập trung vào các vấn đề lớn.
Các nhóm giải pháp gồm: Hỗ trợ trực tiếp người lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng người lao động, cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh; hỗ trợ kết nối cung cầu lao động; hoàn thiện bền vững thị trường lao động; bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động; xây dựng quan hệ giữa người lao động hài hòa, tiến bộ.
Ông Lê Văn Thanh cho biết: "Sau khi dịch được kiểm soát, nhiều cơ hội được mở ra. Các doanh nghiệp sắp xếp cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0; ngành lao động có cơ hội điều chỉnh phân bổ lại lực lượng giữa các vùng và ngành kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh..."...