Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, hiện có nhiều số liệu khác nhau về lực lượng lao động về quê nhưng tổng kết số liệu từ các địa phương thì con số chính thức khoảng 1,3 triệu người, trong đó chiếm 60% từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, các tỉnh trọng điểm phía Nam. Qua khảo sát lấy ý kiến lao động đã về quê thì có khoảng 30% số này có nhu cầu quay trở lại thành phố làm việc, 30% có nhu cầu chuyển sang nghề khác và 40% có nhu cầu ở lại quê làm việc.
Từ kết quả khảo sát này, Bộ LĐTBXH đã trao đổi với địa phương có lao động về và các tỉnh trọng điểm để kết nối cung cầu thị trường lao động. Đơn cử như tỉnh Thanh Hóa kết nối lao động làm việc tại Bắc Giang, Bắc Ninh với hơn 50.000 người. Hoặc như tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị tiếp nhận lao động trở về làm nghề may.
Về khôi phục lại thị trường lao động, Bộ LĐTBXH đã đề xuất 7 nhóm giải pháp, trong đó có các giải pháp về: An sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối phát triển việc làm trực tuyến, nâng cao chất lượng đào tạo, hoàn thiện dữ liệu quốc gia về lao động, chăm lo nhà ở cho người nghèo, người lao động khó khăn…
Cũng theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, về vấn đề lao động nhập cư, chúng ta không bao giờ coi người nhập cư, người lao động từ các tỉnh về đô thị là công dân hạng 2. Công dân ở đâu cũng là công dân Việt Nam. Hiện những người lao động di cư gặp nhiều khó khăn. Hiện có 3 vấn đề quan tâm: Phải đánh giá đúng vai trò của lực lượng lao động từ các địa phương về thành thị, nhất là lĩnh vực dịch vụ đô thị, trong đó quan tâm đến môi trường làm việc, môi trường sống, môi trường tối thiểu của người lao động. Cụ thể là các vấn đề nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, tiêm vaccine phòng dịch, chế độ tiền lương thu nhập…
Liên quan đến hỗ trợ lao động tự do, chủ yếu là lao động di cư, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: trong Nghị quyết 68, để tạo sự linh hoạt đã giao việc hỗ trợ cho lao động tự do cho địa phương. Chính phủ chỉ quy định mức sàn hỗ trợ, còn địa phương trên cơ sở ngân sách để chi hỗ trợ cho những đối tượng cụ thể. Qua triển khai, năm 2020, các địa phương chỉ hỗ trợ 1 triệu lao động tư do nhưng nay hỗ trợ trên 12,9 triệu lao động tư do với kinh phí trên 16 nghìn tỷ đồng.
“Trên thực tế, một số địa phương ngân sách không còn nên chậm hỗ trợ lao động tự do. Bộ LĐTBXH sẽ tổng kết và sẽ có kiến nghị cụ thể về hỗ trợ nhóm đối tượng này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.