Đây là hoạt động thường niên nhằm góp phần thắt chặt tình hữu nghị, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Lào, Campuchia phát triển toàn diện, bền vững.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh Phùng Thái Quang nêu rõ, tình hữu nghị giữa ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia được xây dựng từ những năm tháng gian khó, nhất là khi 3 dân tộc cùng trên con đường đấu tranh giành độc lập, tự do. Sợi dây gắn bó giữa 3 dân tộc đã trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết, sự chia sẻ và tấm lòng thủy chung. Trong thời đại mới, tình cảm ấy tiếp tục được truyền tải qua các thế hệ, nhân lên trong chương trình "Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia". Đây không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các sinh viên xa quê hương mà còn là cầu nối vững chắc, tạo điều kiện cho các em cảm nhận sự gần gũi, tình thương từ những người cha, người mẹ nuôi Việt Nam.
Chính tại các gia đình này, sinh viên Lào, Campuchia học hỏi, cảm nhận được sự đồng cảm, sự sẻ chia - nơi các em được coi như người con trong nhà, là một phần của đại gia đình ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Những giá trị mà chương trình mang lại không chỉ gói gọn trong tình cảm gia đình mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một minh chứng sinh động cho tình đoàn kết quốc tế, hữu nghị không biên giới, ông Phùng Thái Quang nhấn mạnh.
Ông tin tưởng, các sinh viên Lào, Campuchia sẽ mang theo những kỷ niệm ấm áp và tình cảm chân thành về đất nước, gia đình Việt Nam luôn mở rộng vòng tay. Đây sẽ là hành trang quý giá để các thế hệ sinh viên tiếp tục vun đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc, viết câu chuyện đẹp về tình bạn, đoàn kết và tương trợ lẫn nhau giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Tham gia chương trình, khoảng 160 sinh viên Lào, Campuchia đã tham quan danh lam thắng cảnh, khu dị tích lịch sử, giao lưu cùng với các bạn, cha mẹ gia đình Việt.
Đến Việt Nam từ năm 2019, Xaiyavong Duangmany, sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành giờ đây không còn gì xa lạ với cuộc sống ở đất nước này. Đặc biệt, sự hiện diện của mẹ Nguyễn Thị Hằng (quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) cùng anh chị em trong gia đình giúp Duangmany quên đi cảm giác nhớ quê nhà, họ là nguồn động viên lớn, kịp thời giúp em vượt qua khó khăn, thách thức.
“Chúng em không chỉ học văn hóa, kiến thức ở nhà trường mà còn học cách sống, sinh hoạt, phong tục tập quán trong mỗi gia đình cha, mẹ Việt. Điều này giúp chúng em tự tin, vững vàng, trưởng thành hơn sau khi tốt nghiệp ra trường. Việt Nam sẽ mãi là quê hương thứ hai, gia đình Việt là ngôi nhà thân yêu thứ hai của chúng em”, Duangmany chia sẻ.
Nhà bà Nguyễn Thị Hằng (quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) là gia đình nhận nuôi sinh viên Lào nhiều nhất (6 sinh viên). Suốt thời gian sống chung một nhà, tình cảm mẹ con thực sự khăng khít, không còn khoảng cách hay ngại ngùng. Mỗi khi trống lịch học, có thời gian là các con lại phụ mẹ làm bếp, nấu món ăn Việt Nam và cùng trải nghiệm cuộc sống. Gia đình luôn tạo điều kiện cho các con tham gia mọi hoạt động, từ nghỉ mát đến đám cưới người thân quen, khuyến khích các con tham gia hoạt động tại địa phương như ra quân dọn dẹp vệ sinh, hội thao, hội thi nấu ăn nhân Ngày Gia đình Việt Nam...
Trong khuôn khổ chương trình, các sinh viên Lào, Campuchia cùng các gia đình Việt tham gia viếng, dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận; tham quan Trường Dục Thanh - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy học trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Đồng thời, tham gia chuỗi hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ đậm bản sắc dân tộc, hội thi tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử văn hóa và quan hệ giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia….