Nhân rộng mô hình câu lạc bộ

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Mô hình CLB phòng, chống BLGĐ đã đạt được những kết quả khả quan trong việc giảm thiểu các vụ BLGĐ. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục nhân rộng địa bàn triển khai mô hình câu lạc bộ.

Những con số...

Có thể khẳng định, gia đình là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị (số 16/2008/CT - TTg ngày 30/5/2008) giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ và thí điểm mô hình phòng, chống BLGĐ trên toàn quốc. Năm 2008, Bộ VH,TT&DL đã trực tiếp chỉ đạo các địa phương thành lập 320 CLB ở 64 xã/phường/thị trấn triển khai Mô hình (mỗi đơn vị cấp xã có 5 CLB) và hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn nội dung sinh hoạt.

Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ, trong năm 2009 - 2010, nhiều địa phương đã đầu tư nhân rộng mô hình đến những địa bàn khác như tỉnh Đồng Tháp đã triển khai mô hình đến 100% số xã; TP Hồ Chí Minh triển khai tại 311/322 xã, phường, thị trấn; Bạc Liêu thêm 50 CLB, Hải Dương thêm 30 CLB ở 6 huyện, thị xã. Các CLB sinh hoạt tập trung vào 14 nhóm nội dung theo hướng dẫn của Trung ương về: Truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, giáo dục ứng xử giữa các thành viên trong gia đình; kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình; giới thiệu văn bản luật pháp, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những văn bản có nội dung liên quan tới gia đình, phòng chống BLGĐ, bình đẳng giới; giới thiệu phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, của quê hương; chăm sóc sức khỏe người già, phụ nữ và trẻ em; phát hiện và điều trị sớm các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV/AIDS; các vấn đề mang tính thời sự, chính trị mới được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc do cơ quan, tổ chức, thành viên CLB cung cấp...

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, 9 tháng đầu năm 2011, cả nước xảy ra 33.904 vụ BLGĐ. Trong đó, số vụ bạo lực với người già là 1.739 vụ, bạo lực với phụ nữ là 12.699 và số vụ bạo lực với trẻ em là 2.892. Tính đến tháng 9/2011, số vụ BLGĐ đã xử lý là 4.185.

Ban chủ nhiệm nhiều CLB tổ chức sinh hoạt với nhiều hình thức sáng tạo có sức hấp dẫn: Dàn dựng tiểu phẩm vui về gia đình và phòng chống BLGĐ, trò chơi hái hoa dân chủ, tổ chức thi tìm hiểu Luật Phòng, chống BLGĐ, sáng tác thơ, ca xung quanh đề tài xây dựng gia đình hạnh phúc, lên án tính gia trưởng...

Kết quả sau hơn 3 năm triển khai, tình hình BLGĐ đã giảm mạnh. Theo thống kê, nếu như năm 2008, tại 64 xã triển khai mô hình xảy ra 1.071 vụ BLGĐ thì đến năm 2009, số vụ BLGĐ giảm xuống còn 525 vụ và năm 2010 số vụ BLGĐ chỉ còn 238 vụ, giảm tới 77,8%. Hơn nữa, tại địa bàn triển khai mô hình điểm trong giai đoạn này không có vụ việc nghiêm trọng xảy ra.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Nhận xét về hiệu quả của việc thực hiện các mô hình thí điểm, ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH,TT&DL) cho biết: Trong hơn 3 năm triển khai, đánh giá của địa phương và cơ quan chỉ đạo cho rằng đây là một giải pháp hữu hiệu để đưa luật vào cuộc sống và đưa cuộc sống được thể hiện trong luật. Một điều nữa là lãnh đạo nhiều địa phương đã nhận thức được rằng, khi giảm thiểu được BLGĐ thì an ninh trật tự xã hội cũng giảm theo. Điều quan trọng nhất là nhận thức của các gia đình, người dân về nhân phẩm, danh dự và quyền được tôn trọng, và nhận thức về bình đẳng giới được nhân lên.

Theo kế hoạch, đến năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trực tiếp chủ trì phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan thực hiện hoặc chỉ đạo các địa phương tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ; Thực hiện nhân rộng địa bàn triển khai mô hình phòng, chống BLGĐ; Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, lồng ghép nội dung phòng, chống BLGĐ trong sinh hoạt cộng đồng; Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên nòng cốt về lĩnh vực gia đình và phòng, chống BLGĐ... Theo đó, mục tiêu năm 2012, 30% số xã/phường/thị trấn có mô hình và đến năm 2015 sẽ có trên 60% xã/phường/thị trấn có mô hình. Chỉ tiêu cụ thể đưa ra là mỗi năm sẽ giảm 10% số vụ BLGĐ so với thực tế từng năm.

Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu này, cần có sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo, chỉ đạo của UBND các cấp trong việc triển khai thực hiện công tác gia đình, triển khai thực hiện mô hình phòng, chống BLGĐ ở xã/phường/thị trấn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân có sự chuyển đổi hành vi về phòng, chống BLGĐ là kinh nghiệm quý báu, không được coi nhẹ. Ngoài ra, vấn đề tổ chức hoạt động của câu lạc bộ, về sự phối kết hợp giữa các đoàn thể địa phương, lồng ghép trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, về công tác kiểm tra, đánh giá, khen thưởng... cũng là những kinh nghiệm quý để có thể áp dụng vào thực tiễn của từng địa phương.

Hạ Lâm

Phải xóa bỏ bạo lực gia đình
Phải xóa bỏ bạo lực gia đình

Trong vài thập niên trước, nạn bạo lực gia đình (BLGĐ) được nhiều người coi là “chuyện vặt” và là “chuyện nội bộ” trong các gia đình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN