Tỷ lệ đóng phù hợp với điều kiện kinh tế
Đối với ý kiến về tỉ lệ đóng BHXH của Việt Nam cao và kiến nghị giảm tỉ lệ đóng BHXH 4% trở về mức đóng BHXH năm 2010 (DN đóng 16% và NLĐ đóng 6%), Bộ LĐTBXH cho rằng: Chính sách BHXH ở mỗi quốc gia được thiết kế khác nhau và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, lịch sử của mỗi nước. Do đó, rất khó để so sánh, đánh giá tỉ lệ đóng BHXH của một nước là cao hay thấp so với những nước còn lại, vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Việc đánh giá tỉ lệ đóng BHXH cần được xem xét trong mối quan hệ với quyền lợi được hưởng, GDP bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, sự phát triển thị trường lao động và chi phí lao động…
Xét về tỉ lệ đóng, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ đóng BHXH cao trong khu vực (27,5%- không tính BHYT) nhưng cũng có một số nước có mức đóng cao hơn Việt Nam như: Singapore 37%, Trung Quốc 38,5% và Ấn Độ 35%. Tuy nhiên, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của Việt Nam thấp hơn nhiều so với tiền lương thực tế của NLĐ (nhiều DN đóng chỉ bằng 50% tiền lương thực tế). Trong khi đó, tỉ lệ hưởng các chế độ của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước, đặc biệt là chế độ hưu trí, thai sản...
Trong thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tỉ lệ đóng, hưởng các quỹ BHXH. Trên cơ sở đó, đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 44/2017/NĐ-CP quy định giảm mức đóng vào quỹ BH TNLĐ-BNN cho DN từ 1% xuống còn 0,5% từ ngày 1/6/2017. Ngày 23/5/2018, BCH Trung ương đã ban hành Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, trong đó có việc điều chỉnh tỉ lệ đóng. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ bám sát nội dung cải cách trong Nghị quyết 28 để cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp.
Chính sách hướng tới sự công bằng, bình đẳng
Đối với ý kiến về tỉ lệ giảm trừ cho mỗi năm về hưu trước tuổi đối với ngành sử dụng nhiều lao động như thuỷ sản, dệt may, điện tử... từ 2% xuống 1%, Bộ LĐTBXH cho biết: Theo quy định của Luật BHXH 2006, NLĐ có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được nghỉ hưởng lương hưu sớm hơn tối đa 10 tuổi so với đối tượng khác và tỉ lệ giảm trừ chỉ là 1% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Quy định này không đảm bảo nguyên tắc đóng- hưởng; do đó, ILO đã có khuyến nghị và nhiều nước thực hiện trừ 5%-6% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi…
Chính vì vậy, Luật BHXH 2014 quy định tăng tỉ lệ giảm trừ từ 1% lên 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi là phù hợp. Mặt khác, Luật BHXH cũng đã quy định, NLĐ làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì được nghỉ hưu sớm hơn lao động làm việc trong điều kiện bình thường tối đa là 5 tuổi mà không phải trừ tỉ lệ % hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.
Về ý kiến cho rằng, chính sách an sinh xã hội chưa công bằng giữa khu vực Nhà nước (bình quân một số năm cuối) và tư nhân (bình quân toàn bộ quá trình), Bộ LĐTBXH cho rằng, bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, chính sách từng bước được sửa đổi, bổ sung, mở rộng ra các khu vực kinh tế khác ngoài nhà nước. Do nguyên nhân khách quan, chính sách phát triển cùng với sự thay đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường, Nhà nước phải kế thừa trách nhiệm đối với lao động đã làm việc cho khu vực nhà nước trước đây sang cơ chế đóng- hưởng. Chính vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng chính sách cần có lộ trình thực hiện.
Cụ thể: Trước 1/1/2007, cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu đối với NLĐ thuộc khu vực Nhà nước theo 5 năm cuối; còn NLĐ khu vực ngoài Nhà nước thì tính bình quân toàn bộ quá trình đóng. Điều này tạo sự không công bằng trong tham gia và thụ hưởng BHXH. Từ 1/1/2007 trở đi, NLĐ thuộc khu vực Nhà nước thì tính bình quân 5 năm, 6 năm, 8 năm hoặc 10 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu tuỳ thuộc vào thời gian bắt đầu tham gia BHXH. Như vậy, Luật BHXH 2006 đã có một bước tiến trong việc tạo nên sự bình đẳng hơn trong cách tính mức bình quân giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước.
Luật BHXH 2014 đã bổ sung thêm 2 lộ trình tính bình quân (15 năm cuối, 20 năm cuối); sau đó thực hiện tính bình quân toàn bộ quá trình đóng đối với NLĐ thuộc khu vực Nhà nước. Như vậy, Luật BHXH 2014 tiếp nối quy định của Luật BHXH 2006, thực hiện lộ trình tiến tới đảm bảo bình đẳng trong cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH giữa khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước. Đối với NLĐ thuộc khu vực Nhà nước bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2025 trở đi, khi nghỉ hưu sẽ tính bình quân toàn bộ quá trình đóng như NLĐ thuộc khu vực ngoài Nhà nước.