Tại buổi giao ban báo chí Hà Nội mới, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết: Sau khi thông báo chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, hai doanh nghiệp vốn chây ỳ đã nộp số nợ BHXH. Cụ thể, Công ty TNHH Tiến Đại Phát nợ BHXH hơn 1,2 tỷ đồng đã nộp hết số nợ vào ngày 20/9; Công ty TNHH Bona Apparel Việt Nam nợ BHXH 9,3 tỷ đồng và đã nộp 3,1 tỷ đồng.
Việc chuyển hồ sơ nợ BHXH sang cơ quan công an đã có tác dụng răn đe, truy thu số nợ BHXH để đảm bảo quyền lợi người lao động. Đây cũng là giải pháp cuối cùng trong các giải pháp thu hồi nợ. Hiện BHXH Hà Nội đang đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, thu nợ BHXH.
BHXH thành phố Hà Nội đã gửi văn bản đôn đốc thu nợ đến 21.408 đơn vị nợ BHXH. Tổ thu nợ BHXH quận, huyện, thị xã đã đôn đốc trực tiếp tại gần 5.000 đơn vị nợ, thu hồi dược 512 tỷ đồng. Việc thanh tra, kiểm tra đã được thực hiện tại 1.367 đơn vị nợ, bước đầu thu hồi được 273/576 tỷ đồng. Đến hết tháng 8/2018, số tiền nợ BHXH trên địa bàn Hà Nội phải tính lãi là 1.788 tỷ đồng, bằng 4,56% kế hoạch thu (giảm được 427 tỷ đồng tiền nợ BHXH của năm 2017).
Hiện tỷ lệ nợ đóng BHXH trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước. Theo ông Nguyễn Đức Hòa, nguyên nhân là do nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế, tính tuân thủ pháp luật về BHXH chưa cao; một số doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chậm đóng, trốn đóng BHXH, đóng không đủ số người ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Từ nay đến cuối năm, BHXH Hà Nội tập trung thực hiện các giải pháp giảm nợ BHXH, trong đó tập trung phân tích, phân loại nợ BHXH, BHYT gửi các sở, ngành làm cơ sở phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT.