Trước câu hỏi của phóng viên về việc nhiều phụ huynh buộc phải đăng ký cho con sử dụng sữa tại trường, vì ngại ảnh hưởng đến thi đua của lớp, của trường; Phó giám đốc Sở Giáo Dục – Đào tạo cho biết: Quy trình của chương trình "Sữa học đường" là Sở tiến hành tuyên truyền cho hiệu trưởng các trường, hiệu trưởng tuyên truyền cho giáo viên, cuối cùng là giáo viên tuyên truyền đến phụ huynh học sinh. Việc lựa chọn hãng sữa nào, giá cả ra sao vẫn chưa chính thức mà các đơn vị đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ đấu thầu vào tháng 10 tới.
“Chủ trương của Sở là quán triệt đến các hiệu trưởng đây là chương trình hoàn toàn tự nguyện. Hiệu trưởng phổ biến cho giáo viên và phát cho phụ huynh. Mục đích tuyên truyền cho phụ huynh hiểu những thông tin liên quan đến thành phần dinh dưỡng của sữa, tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Chúng tôi chỉ đạo bằng văn bản, còn các trường chỉ đạo “tam sao thất bản”, chủ trương là không bắt buộc”. Nếu trẻ đã đăng ký tham gia, nếu gia đình xét thấy không có nhu cầu thì có thể dừng; hoặc phụ huynh đã đăng ký không dùng nhưng thấy có nhu cầu thì có thể đăng ký bổ sung”, ông Phạm Xuân Tiến khẳng định.
“Không có chuyện ép buộc mà cũng không có chuyện tính thi đua bằng việc đăng ký mua sữa vì chúng tôi chưa biết tính tiêu chí xét thi đua trường hợp này thế nào. Với những trường hợp trẻ uống sữa theo chế độ riêng thì nhà trường với cha mẹ học sinh có thể thoả thuận lại với nhau về lượng uống của trẻ. Việc đăng ký hoàn toàn tự nguyện không ép buộc hay đánh giá thi đua”, Phó giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Tiến không lý giải vì sao lại đặt ra chỉ tiêu 90% số học sinh Hà Nội tham gia chương trình Sữa học đường và thừa nhận không hiểu rõ về quy trình đấu thầu hay chỉ định thầu nếu số lượng tham gia quá ít.
Về chất lượng của sữa, Phó giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thông tin: Bộ Y tế đặt hàng riêng sữa học đường với các công ty, chứ không phải sữa chọn ngẫu nhiên. Chương trình thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, vì sức khoẻ của học sinh, đảm bảo mọi thứ tốt nhất về chất lượng, giá cả… Sữa học đường có thành phần cung cấp trên vỏ, có tem nhãn mác riêng sữa học đường để phụ huynh kiểm tra.
Với thông tin về giá sữa đưa ra (6.800 đồng/hộp chưa có trợ giá) so với giá đại lý cao, ông Phạm Xuân Tiến lý giải: Hồ sơ mời thầu là sữa cung cấp đến tận tay người tiêu dùng và giải quyết, xử lý rác 1 cách triệt để nhất… Giá sữa mới chỉ mang tính tham khảo một số hãng trên thị trường chứ chưa phải giá cuối cùng.
Về chủ trương, việc đấu thầu sẽ không giao cho các trường do có hỗ trợ từ ngân sách và các quy định đảm bảo đúng, đủ tiêu chuẩn chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc để các trường đấu thầu có thể dẫn đến những hệ luỵ khác.
Đề án Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018-2020 đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua. Mục tiêu của đề án khai nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội.