Tại Điện Biên, điểm phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên ở bản Bon A, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo từ ngày 4/3/2019, sau đó tiếp tục phát sinh thêm ở 6 huyện khác. Tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan
Tổng đàn lợn của Điện Biên hiện là 402.333 con. Tính đến ngày 11/5, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 1.560 hộ ở gần 280 thôn bản của 56/130 xã, phường thuộc 7/10 huyện, thành phố gồm: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Chà và thành phố Điện Biên Phủ; tổng số lợn đã tiêu hủy là gần 4.600 con.
Mặc dù số lợn mắc bệnh, chết được tiêu hủy mới chiếm 1,13% tổng đàn lợn của cả tỉnh song đang có chiều hướng tăng dần. Đáng ngại hơn, dịch đã xuất hiện ở một số hộ chăn nuôi quy mô và số lượng lớn với độ an toàn sinh học cao, thực hiện quy trình phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong số 7 huyện có dịch tả lợn châu Phi thì 4 huyện gồm: Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà, Điện Biên Đông có số lợn tiêu hủy ít; huyện phát dịch sau như Điện Biên, Tủa Chùa và thành phố Điện Biên Phủ có số lợn tiêu hủy tăng nhanh. Đặc biệt, tại thành phố Điện Biên Phủ dịch bệnh đã xuất hiện tại trại chăn nuôi lợn lớn có tổng đàn gần 500 con.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân khiến bệnh dịch lan nhanh là do tập quán chăn nuôi lợn thả rông của nhiều thôn, bản vùng cao; không kiểm soát được người và động vật ra vào vùng có dịch, nhất là lực lượng buôn bán nhỏ đi lại các thôn bản thu mua lợn.
Một số hộ chăn nuôi giết mổ lợn ăn và chia cho họ hàng cùng ăn thịt lợn nhiễm bệnh mà không báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y. Bệnh phát sinh và lây lan không theo quy luật; các huyện có dịch đều khởi phát đầu tiên từ khu vực vùng sâu, vùng xa sau đó lây lan ra địa bàn lân cận.
Ngoài ra, do bệnh có thời gian ủ bệnh kéo dài, việc vận chuyển lợn từ các tỉnh đang có dịch tả lợn châu Phi vẫn được cho phép.
Trong khi đó, tại tỉnh Hậu Giang, theo ông Trần Chí Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, mặc dù trên địa bàn đã xuất hiện 2 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhưng Hậu Giang vẫn chưa đủ điều kiện công bố dịch. Tuy nhiên, nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh tại Hậu Giang đang rất cao.
Đầu tháng 4 và đầu tháng 5/2019, tại Hậu Giang đã xảy ra 2 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại hộ ông Nguyễn Văn Oanh, ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A và hộ ông Phan Văn Việt, ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy. Tổng số lợn chết và tiêu hủy do dịch bệnh là 68 con.
Ngành chức năng Hậu Giang đã triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp khống chế dịch bệnh, đã chôn hủy toàn bộ số lợn nhiễm bệnh; đồng thời, tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và địa bàn tiếp giáp. Tỉnh cũng rà soát lại tổng đàn lợn, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tăng cường kiểm tra cơ sở giết mổ tập trung, kiểm dịch động vật; đồng thời, tuyên truyền cho người dân các kiến thức về phòng chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ, điểm buôn bán, trung chuyển gia súc.
Tại tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, đến thời điểm này, các chốt kiểm dịch của địa phương đã kiểm tra trên 1.000 phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm với số lượng gần 300.000 con và khoảng 17.000 kg sản phẩm động vật.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, tỉnh đề ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn; chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ phát triển dịch để người dân cảnh giác, chủ động áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn, tăng cường vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.
Việc kiểm tra phòng, chống dịch bệnh được tăng cường tại các địa bàn trọng điểm, địa phương chăn nuôi lợn nhiều, địa bàn giáp ranh với các tỉnh lân cận - nơi có nhiều điểm thu mua, tập kết, giết mổ lợn. Các phương tiện vận chuyển lợn trong và ngoài địa bàn được kiểm soát chặt chẽ tại các chốt kiểm dịch, sẵn sàng lấy mẫu và xác minh khi có dịch bệnh xảy ra.
Tại tỉnh Bình Phước, ngày 14/5, UBND thành phố Đồng Xoài xác nhận trên địa bàn xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi đã “tấn công” vào đàn lợn rừng lai nuôi trong môi trường bán hoang dã tại phường Tân Phú khiến hơn 50 con lợn bị chết.
Hai trang trại lợn rừng lai nuôi theo mô hình bán hoang dã liền kề nhau của hộ ông Phạm Hồng Văn và hộ ông Đoàn Ngọc Thể thuộc khu phố Phú Mỹ, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài. Hiện toàn bộ số lợn rừng lai đã xử lý chôn đúng theo quy định.
Trước đó, tại huyện Đồng Phú cũng ghi nhận 2 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trong các hộ chăn nuôi lợn rừng lai mô hình bán hoang dã. Chủ hộ chăn nuôi cho biết thường gom thức ăn thừa từ các hộ buôn bán bún, phở trên địa bàn trong khu phố làm thực phẩm nuôi lợn.
UBND tỉnh Bình Phước đã phát đi công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương trong tỉnh thực hiện biện pháp khẩn cấp ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi; xử lý dứt điểm và không để phát sinh ổ dịch mới.
Tỉnh yêu cầu những địa phương chưa xuất hiện dịch chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh; tuân thủ việc lấy mẫu để xác định chính xác bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn và sản phẩm của lợn; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định. Tỉnh thực hiện tiêu hủy đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu trái phép từ các địa phương có dịch vào địa bàn quản lý.
Cùng ngày, UBND huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước tiêu hủy 52 con lợn có trọng lượng trên 2 tấn của gia đình ông Huỳnh Văn Núp, ở ấp 1, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Như vậy, tính đến chiều 14/5, tỉnh Bình Phước đã xuất hiện 7 ổ dịch tại các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ; tiêu hủy trên 200 con lợn lớn, nhỏ.