Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội, sáng 13/5.
Thời gian qua, với những nỗ lực và hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đã đạt được một số kết quả quan trọng. Bước đầu hạn chế tình trạng lây lan và giảm thiểu thiệt hại. Dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 12/5/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, trong đó có Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi lợn của cả nước, cung cấp trên 40% sản lượng thịt hơi cho Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy trên 1,2 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước). Đáng chú ý, 29 xã thuộc 12 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh (gần đây nhất là tại tỉnh Bắc Kạn).
Rà soát, kiểm tra ngay hiện tượng lơ là, chủ quan với dịch bệnh
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, dịch tả lợn châu Phi là dịch bệnh rất nguy hiểm, có khả năng gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi nước ta.
Từ khi dịch bệnh xuất hiện tại các nước lân cận (tháng 8/2018) đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã vào cuộc để chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó có sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, do đó, công tác phòng, chống dịch đã đạt được một số kết quả quan trọng. "Bước đầu hạn chế tình trạng lây lan mạnh của dịch bệnh, từ đó giảm thiểu thiệt hại do dịch gây ra" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các báo cáo cũng cho thấy nhiều khó khăn, tồn tại, yếu kém trong công tác phòng, chống dịch.
Theo Phó Thủ tướng, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang xảy ra rất nghiêm trọng và kiểm soát chưa hiệu quả; lây lan trên diện rộng. Khả năng lây lan của dịch bệnh còn cao, chúng ta chưa thể tuyên bố kiểm soát chặt chẽ được dịch bệnh này. Bên cạnh đó, khả năng tái phát dịch rất lớn, có địa phương công bố hết dịch qua 30 ngày nhưng sau đó lại tái phát dịch.
Một số địa phương chưa chủ động tổ chức giám sát, kịp thời nắp bắt thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh chưa chính xác, kịp thời, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo phòng, chống dịch. Thậm chí một số nơi còn chủ quan, coi nhẹ trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
"Mới đây, báo chí, mạng xã hội đưa tin xác lợn chết do dịch tả lợn châu Phi thả trôi trên kênh, chỉ trong vòng vài tiếng người dân trục vớt được 3-4 tấn; có địa phương hiện không còn chỗ để tiêu hủy lợn bệnh. Có nơi người dân chôn lợn chết ở gần nguồn nước hoặc chôn rồi lại đào lên di chuyển đến nơi khác" - Phó Thủ tướng dẫn chứng, đồng thời nhấn mạnh đây là hiện tượng hết sức nguy hiểm. Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương mà báo chí phản ánh tình trạng này cần rà soát, kiểm tra lại ngay và xử lý nghiêm những vi phạm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng đó.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần xác định cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là hệ thống tại các cơ sở địa phương. Cả chính quyền, doanh nghiệp, người dân cần tích cực hơn nữa trong công tác dập dịch; đồng thời, phải bảo vệ được sản phẩm, mặt hàng sản xuất nông nghiệp quan trọng này. "Do đó, công tác dập dịch vừa là công tác trọng tâm trước mắt, nhưng đây còn là nhiệm vụ lâu dài để bảo vệ ngành hàng, sản phẩm của chúng ta" - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh đó, công tác kiểm soát dịch chưa được thực hiện hiệu quả, việc bố trí kinh phí cho phòng, chống dịch bệnh còn chậm hoặc chưa phù hợp; hỗ trợ cho người dân chưa đạt yêu cầu, chưa khuyến khích được người dân tham gia phòng, chống dịch có hiệu quả. Tình hình trên đây đã ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua.
Vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa có biện pháp sản xuất sạch
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp, môi trường và đời sống của người dân. Trong khi đó, do hiện nay chưa có thuốc chữa bệnh, chưa có vắc xin phòng bệnh, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh trong thời gian tới là rất cao.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng là ngăn chặn dịch lây lan và có biện pháp hữu hiệu để dập dịch. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương cần phải nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch.
Các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cần thường xuyên tổ chức các Đoàn công tác liên ngành đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị, quyết định mới để phù hợp với tình hình dịch bệnh mới hiện nay; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp, khả thi cho người chăn nuôi và doanh nghiệp có lợn bị tiêu hủy.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc giết mổ lợn trong vùng dịch; cơ sở giết mổ đạt yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm được phép nhập lợn từ cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trong và ngoài tỉnh để giết mổ và xuất bán các sản phẩm lợn sau khi giết mổ ra ngoài vùng dịch dưới sự giám sát của cơ quan thú y.
"Trong điều kiện hiện nay, chúng ta không thể đóng cửa, mà phải đảm bảo vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện sản xuất sạch, phân phối, vận chuyển tốt" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, nghiên cứu tái cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi, tìm các sản phẩm bù đắp, thay thế, phục vụ đời sống người dân và sản xuất. Các doanh nghiệp đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương thành lập và xây dựng các trạm kiểm dịch quốc gia, bảo đảm các yêu cầu kiểm soát vận chuyển động vật tại các địa phương trọng điểm trên trục quốc lộ Bắc Nam. "Đây không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là nhiệm vụ lâu dài. Chúng ta muốn phát triển ngành chăn nuôi thì phải quan tâm triển khai các trạm kiểm dịch quốc gia" - theo Phó Thủ tướng.
Các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia căn cứ chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo hệ thống ngành dọc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan phục vụ công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ; tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn sạch và cấp trữ đông, cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm. "Bộ Công Thương cần triển khai ngay cuộc họp với các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ, các nhà kho, phân phối để bàn giải pháp liên quan đến ứng phó dịch có hiệu quả" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Các ngành chức năng, cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức, nâng cao ý thức của mọi người dân về phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan. "Công tác tuyên tuyền thông tin phù hợp, vừa động viên người dân; vừa phản bác những thông tin không đúng; bảo vệ chính đáng cho người tiêu dùng, doanh nghiệp" - Phó Thủ tướng đề nghị.
Nhấn mạnh vai trò của các địa phương, đặc biệt là của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc là rất quan trọng, Phó Thủ tướng giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động làm việc, đề nghị các tổ chức quốc tế (FAO, OIE) và các nước (Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc, EU,...) xem xét, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nghiên cứu các giải pháp phòng, chống và vắc xin phòng bệnh.