Để người thất nghiệp sớm nhận chế độ bảo hiểm

Bảo hiểm thất nghiệp thực hiện từ năm 2009 đến nay đã phát huy tác dụng của một chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện chính sách cũng đang bộc lộ những bất cập cần sửa đổi trong Luật Việc làm tại kỳ họp Quốc hội này.


Thủ tục còn phiền phức


Theo Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, từ đầu năm đến nay, số người đăng ký thất nghiệp tại trung tâm khoảng hơn 2.000 người/tháng và tổng đăng ký trong 9 tháng qua là trên 19.000 người. Tuy nhiên, theo phản ánh của người lao động, việc đăng ký thất nghiệp tại đây còn nhiều thủ tục phiền hà. Trình tự của việc đăng ký là: Trung tâm giới thiệu việc làm cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ, đăng ký thất nghiệp, giới thiệu việc làm, học nghề…; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) quyết định chế độ; cơ quan BHXH thu, chi trả bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). “Nếu thủ tục không gặp vướng mắc gì thì cũng phải mất 4 lần đi lại”, chị Mai, nhân viên kinh doanh vừa đến trung tâm đăng ký thất nghiệp, cho biết.

Tư vấn và làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Yên Bái.


Anh Đinh Ngọc Minh, công nhân một đơn vị cơ khí thất nghiệp, phàn nàn: “Để hoàn thành thủ tục theo hướng dẫn của Trung tâm, tôi vừa đi đi, về về giữa trung tâm và công ty, rồi qua BHXH để hoàn thiện đăng ký, hồ sơ. Theo quy định sau 20 ngày được nhận chế độ, nhưng phải sau gần 2 tháng làm thủ tục, tôi mới nhận được tiền BHTN”.


“Khâu giải quyết thủ tục hành chính tại BHXH lẫn Trung tâm giới thiệu việc làm các tỉnh vẫn mang nặng cơ chế xin cho”, ông Lê Tiến Đạt, đại diện Văn phòng giới chủ sử dụng lao động (VCCI), thẳng thắn chia sẻ, “Một trong những lý do đơn vị chậm đóng BHXH và BHTN nói riêng là do thủ tục đóng tiền BHTN và giải quyết chế độ BHTN phải qua nhiều cơ quan, với rất nhiều thủ tục “hành” là “chính”, gây phiền toái cho cả người lao động lẫn người sử dụng lao động”.


Về bất cập trong việc chi trả BHTN, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội thẳng thắn: “Để chi trả kịp thời chế độ BHTN cho người lao động mất việc nhưng cũng không làm phình bộ máy, theo tôi sau khi người lao động đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm việc làm, có thể nhận BHTN tại BHXH tại các huyện mình cư trú. Vấn đề là có sự kết nối hệ thống công nghệ thông tin để việc xử lý này được thuận tiện”.


Ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết: Trung tâm và BHXH Hà Nội đã trao đổi giảm bớt quy trình. Hiện Trung tâm mới triển khai chế độ 1 cửa để chỉ đến 1 nơi giải quyết được chế độ BHTN.


Theo Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH), về trình tự, thủ tục giải quyết chế độ BHTN quy định; Trong 7 ngày kể từ ngày người lao động mất việc làm phải đăng ký thất nghiệp, trong vòng 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp phải nộp hồ sơ hưởng BHTN là tương đối ngắn, nhất là trong điều kiện việc chốt sổ bảo hiểm xã hội gặp khó khăn, xác nhận của người sử dụng lao động không kịp thời... Do vậy, người lao động thường nhận được trợ cấp thất nghiệp rất chậm. Trong thời gian tới, ngành LĐTBXH và BHXH sẽ kết nối phần mềm quản lý BHTN, nhằm tiếp nhận và giải quyết nhanh quyền lợi của người lao động và kiểm soát kịp thời việc thực hiện các chính sách, tránh tình trạng gian lận, trục lợi như đã từng diễn ra.


Tỷ lệ học nghề ít


Từ đầu năm 2010 đến nay, Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội đã tiếp nhận trên 64.000 lao động đến đăng ký thất nghiệp, nhưng chỉ có 2.193 người được hỗ trợ học nghề. Không chỉ Hà Nội, trên cả nước, hầu hết người lao động thất nghiệp cũng chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp, mà chưa quan tâm học nghề. Qua gần 5 năm thực hiện chính sách BHTN, chỉ có 13.601 người lao động thất nghiệp tham gia học nghề, trong tổng số 1,3 triệu lượt người thất nghiệp.


Điều này phản ánh qua việc cân đối thu - chi nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp, ước tính kết dư trên 30.000 tỷ đồng vào cuối năm 2013. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng kết dư qua các năm đều cao, nhưng chi cho việc học nghề còn thấp, hiệu quả hạn chế.
Theo ông Nguyễn Toàn Phong, người lao động thất nghiệp chưa mặn mà với học nghề bởi hỗ trợ học nghề chỉ có 300.000/tháng và phần còn lại phải đóng góp trong khi họ chưa có việc làm. Bên cạnh đó các trường, trung tâm cũng không mặn mà do đảm bảo duy trì lớp học từ 3-6 tháng và yêu cầu người học đóng thêm chi phí chênh lệch. Quyết định hỗ trợ học nghề mới đây quy định nâng mức hỗ trợ lên 600.000/tháng và học 3 tháng không quá 3 triệu đồng sẽ cải thiện tình hình này.


Xuân Minh - Ánh Ngọc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN