Để áp thấp không thành bão

Dễ hiểu những biến động trên thị trường dầu mỏ thế giới hiện nay là do tình hình bất ổn tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nơi được ví là rốn dầu thế giới.

Điều này có nghĩa là địa chính trị đã trở lại là một trong những nhân tố chính chi phối giá dầu, sau một thời gian nó bị đẩy xuống hàng thứ yếu khi kinh tế thế giới suy thoái. Chưa cần nguồn cung bị gián đoạn, chỉ cần ở nơi có nguồn cung xảy ra bất ổn, cũng đủ để làm các khách hàng rối lên tìm kiếm thứ vàng đen ấy để dự trữ, phòng khi nguồn cung giảm hẳn.

Thế là giá dầu mỏ tăng từng ngày, và đó là điều rất bất lợi khi sự phục hồi của kinh tế thế giới còn mong manh. Giới chuyên gia lo ngại “cơn áp thấp giá dầu” nếu trở thành “bão” sẽ phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Vậy những ai thiệt hại nhất khi giá dầu mỏ tăng cao? Tất nhiên là các nền kinh tế lớn sử dụng nhiều nhất thứ nhiên liệu từ lòng đất này, trong đó có kinh tế Mỹ.

Đọc bảng giá thị trường dầu mỏ những ngày qua, sẽ thấy giá dầu tăng mạnh khi xuất hiện những đồn đoán về khả năng xảy ra hành động can thiệp quân sự ở Libi. Giá dầu leo thang từ sự bất ổn đang diễn ra ở Trung Đông và Bắc Phi ấy dường như đang bị “đổ thêm dầu vào lửa”. Vậy thì, chỉ khi không có thêm luồng gió nào nữa, “cơn áp thấp giá dầu” mới không đủ mạnh để trở thành “bão” đe dọa chặn đà phục hồi kinh tế thế giới. Và như thế, mới không có nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng dầu mỏ.

Cũng cần nhớ lại bài học năm 2009 khi kinh tế thế giới vừa chập chững đi lên từ suy thoái, giới đầu cơ đã tìm cách đẩy giá dầu lên. Khi đó, dư luận đã cảnh báo về một cuộc suy thoái kép nếu giá dầu tăng cao. Giờ đây, hiện tượng này dường như đang lặp lại, chỉ khác về bản chất. Và nếu xảy ra khủng hoảng dầu mỏ, kinh tế thế giới có thể bị đẩy vào một cuộc suy thoái thứ ba.

Đỗ Sinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN