Chưa có thuốc “đặc trị” xe chở quá tải

Tình trạng các phương tiện vận tải hàng hóa chở quá tải để giảm giá cước đã diễn ra từ nhiều năm nhưng vẫn chưa có thuốc “đặc trị”. Thực tế này nếu không được giải quyết sẽ gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải và ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông.


Cạnh tranh không lành mạnh


Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho biết, chủ hàng thường ép doanh nghiệp vận tải chở quá tải để tiết kiệm chi phí. Chẳng hạn, chở hàng tuyến đường từ các cảng ở TP.Hồ Chí Minh đi khu công nghiệp Sóng Thần (Đồng Nai) có giá vận tải 2,4 triệu đồng/30 tấn/chuyến. Nhưng nếu chở đúng tải theo đăng kiểm trọng tải cho phép thì chỉ chở được 18 tấn. “Chủ hàng chỉ muốn chở quá tải vì có lợi cho họ. Mình không chở thì họ kêu người khác. Do vậy để tồn tại, doanh nghiệp buộc phải chở quá tải dù họ không muốn”, ông Quản nói

.

Phải quản lý chặt hoạt động của ngành vận tải hàng hóa.


Nhiều doanh nghiệp vận tải cũng cho rằng, họ phải chở quá tải để bù đắp chi phí “bao đường” phải chi trả cho các lực lượng chức năng. Anh N.M.L, Giám đốc công ty TMDV XNK P.P, có 8 đầu kéo côngtennơ, cho biết chi phí vận chuyển 2 container 40 feet từ TP Hồ Chí Minh đến huyện Phước Long (Bình Phước) có giá 8 triệu đồng/chuyến. Trong 8 triệu đồng đó, sẽ có 4 triệu đồng cho chi phí xăng dầu, 1 triệu đồng tiền vé cầu đường; khoán 500.000 đồng cho tài xế các khoản như: vá vỏ, phí ra vào, nâng côngtennơ tại cảng; 800.000 đồng chi phí quản trị như lương tài xế, phụ xế, nhân viên, thuê kho bãi... và tiền “bao đường” là hơn 1 triệu đồng.


“Mỗi một chuyến hàng phải nộp hơn 1 triệu đồng cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát tải trọng trên đường. Trừ hết chi phí là phần lời của doanh nghiệp. Hiện số tiền mỗi tháng doanh nghiệp nộp tiền “bao đường” không phải là ít. Mới đây, vào ngày 16/7, “cò” liên hệ với tôi cho giá bao mỗi chuyến xe là 1,2 triệu đồng để an toàn qua tỉnh Đồng Nai”, anh N.M.L thừa nhận.


Thu hồi giấy phép doanh nghiệp vi phạm


Việc quản lý phương tiện vận tải hàng hóa còn nhiều bất cập cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng chở quá tải. Do việc đầu tư phương tiện dễ dàng nên số lượng kinh doanh vận tải ngày càng tăng. Thậm chí, trong ngành vận tải hàng hóa đang xuất hiện tình trạng kinh doanh “xác xe”. Tức là, những đơn vị vận tải hàng hóa có thể dễ dàng mua một vài đầu xe, rơ - moóc cũ về sửa chữa lại rồi tham gia thị trường vận tải theo kiểu “phá giá”. Các doanh nghiệp này do có ít đầu xe, không thuê mướn bến bãi, chi phí quản lý thấp nên giá nào cũng chạy với mục đích thu hồi nhanh vốn đầu tư, sau đó bán xe và xem đó là khoản lợi nhuận. Ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc công ty DVTM vận tải Minh Liên, bức xúc: “Với cách làm ăn ‘phá giá’ của các doanh nghiệp này, khiến cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính không dám đầu tư xe chất lượng tốt. Hơn nữa, do lợi nhuận giảm sút nhưng chi phí đầu vào ngày càng tăng nên các doanh nghiệp cũng không quan tâm đến việc tái đầu tư các xe chất lượng cao”.


Luật sư Thái Văn Chung, Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chi phí vận tải ngày càng tăng cao như dầu, vỏ xe, phí cầu đường, chi phí tiêu cực... đã tác động trực tiếp đến thị trường vận tải hàng hóa. Việc hạ giá cước mang tính ‘phá giá’ thị trường khiến thị trường vận tải hàng hóa rơi vào thế cạnh tranh không lành mạnh. Hậu quả là xe chở quá tải, đường sá, cầu cống xuống cấp, phương tiện nhanh chóng hư hỏng, nguy cơ tai nạn giao thông tăng cao”.


Theo đó, Hiệp hội Vận tải TP Hồ Chí Minh kiến nghị các bộ, ngành cần phải xem xét lại đối tượng xử phạt là chủ hàng, chủ xe do hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh bằng cách chở hàng quá tải để giảm giá cước. Áp dụng chế tài xử phạt nặng đánh trực tiếp vào lợi ích kinh tế của chủ hàng và chủ xe để buộc chấp hành pháp luật; thậm chí tái phạm nhiều lần có thể bị áp dụng chế tài xử phạt bổ sung là thu hồi giấy phép kinh doanh.


Bên cạnh đó, để tạo ra môi trường kinh doanh sòng phẳng, nhiều doanh nghiệp kiến nghị ngoài phí bảo trì đường bộ nên buộc doanh nghiệp có chở quá tải phải đóng “phí quá tải”. Việc làm này để đưa những phí “tiêu cực” thành loại phí công khai, minh bạch để cải thiện môi trường kinh doanh. Ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc doanh nghiệp vận tải Vinaco, cho rằng giải pháp này được một số nước áp dụng. “Doanh nghiệp vận tải sẵn sàng chi trả tiền hư hỏng cầu đường do mình gây ra, qua hành vi chạy quá tải của mình. Có như vậy vừa đảm bảo nhu cầu vận tải hàng hóa của nền kinh tế, vừa tạo ra một mặt bằng giá chuẩn không để tình trạng loạn giá vận tải như hiện nay”, ông Hải cho biết.


Mặt khác, các doanh nghiệp cũng kiến nghị nhà nước nhanh chóng có biện pháp siết chặt và đưa ngành vận tải hàng hóa là ngành kinh doanh có điều kiện đặc biệt. Bởi hiện nay, tình trạng mua bán xe vận tải, thành lập doanh nghiệp vận tải quá dễ dàng đã tạo thêm nhiều rối ren cho ngành vận tải hàng hóa.


Bài và ảnh: Anh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN