Hồi tháng 8, Văn phòng của Thủ tướng Netanyahu đã công bố thông báo cho biết thỏa thuận hòa bình Israel - UAE không bao gồm việc Israel đồng thuận với việc Washington chuyển giao vũ khí cho Abu Dhabi. Thủ tướng Netanyahu được cho là phản đối việc chuyển giao các máy bay tiêm kích F-35 và những vũ khí hiện đại khác cho các quốc gia Arab, trong đó có cả quốc gia đã ký thỏa thuận hòa bình với nhà nước Do Thái là UAE.
Báo New York Times chiều 3/9 dẫn một số nguồn thạo tin cho biết thông tin trên là không chính xác. Theo các nguồn tin này, ông Netanyahu đã rút lại những lời phàn nàn về thỏa thuận vũ khí tiềm năng này sau cuộc hội đàm hồi tuần trước với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Jerusalem. Mỹ được cho là muốn bán máy bay chiến đấu điện tử - EA-18G Growler - cho UAE.
Giới quan sát cho rằng Washington có thể nới lỏng cam kết đảm bảo ưu thế quân sự về chất lượng của Israel và có thể bán cả máy bay chiến đấu F-35 cho UAE. Tuy nhiên, quá trình đó sẽ mất nhiều năm và có thể dễ dàng bị đảo ngược bởi một chính quyền trong tương lai.
UAE và Israel đã nhất trí thực hiện các bước đi nhằm bình thường hóa quan hệ song phương theo một thỏa thuận do Washington làm trung gian. Với thỏa thuận này, UEA sẽ là nước thứ 3 trong thế giới Arab thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Israel (sau Ai Cập ký thỏa thuận năm 1979 và Jordan ký năm 1994). Thỏa thuận này nhận được sự ủng hộ của một số nước như Pháp, Đức, Oman, nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của giới chức Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.