Theo đài Sputnik, các mẫu phương tiện tham gia trình diễn bao gồm các máy bay được trang bị cho nhiều mục đích khác nhau - từ thực hiện các cuộc tấn công cảm tử và nhiệm vụ giám sát đơn giản cho đến các cuộc tấn công chính xác.
Bên cạnh đó, các xe tải quân sự tham gia lễ duyệt binh còn chở theo máy bay không người lái do thám và tấn công Kaman-22, được trình làng lần đầu vào năm 2021, và máy bay không người lái Kaman-12 được sản xuất lần đầu vào năm 2019.
Không chỉ có thiết bị bay không người lái, một vài mô hình hệ thống tên lửa dẫn đường của Iran như tên lửa tầm xa Damavand và hệ thống Zolfaqar phóng tầm thấp cũng xuất hiện trong lễ duyệt binh.
Video các mẫu máy bay không người lái xuất hiện trong lễ duyệt binh (nguồn: Iran International English):
Sau khi Liên hợp quốc ban hành lệnh cấm bán vũ khí cho quốc gia Cộng hòa Hồi giáo, Tehran bắt đầu phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa của riêng mình. Theo Tổng thống Hassan Rouhani, Không quân Iran và các đơn vị còn lại của lực lượng vũ trang có thể hoạt động "chuyên nghiệp hơn bao giờ hết" với các thiết bị quân sự hiện đại mà nước này sản xuất.
Máy bay không người lái không phải là lĩnh vực duy nhất mà ngành công nghiệp quốc phòng Iran đạt được tiến bộ trong vài thập kỷ qua. Nước này hiện tự sản xuất vũ khí nhỏ, tàu chiến, máy bay phản lực và tên lửa, bao gồm tên lửa đạn đạo. Tên lửa đạn đạo của Iran đã trở thành một mối lo ngại đối với Israel và Mỹ. Washington cho rằng cộng đồng quốc tế cần kiểm soát chương trình tên lửa đạn đạo của Iran như chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, Tehran bác bỏ đề xuất của Washington và khẳng định nước này không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với Mỹ do tầm hoạt động hạn chế của tên lửa Iran.