Đàm phán diễn ra trong bối cảnh Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận Iran bắt đầu làm giàu urani ở mức 60%, cao hơn nhiều lần so với mức 3,67% quy định trong thỏa thuận.
Phát biểu sau cuộc họp với các đại diện của Nga, Pháp, Anh, Đức và Trung Quốc, Trưởng đoàn đàm phán của Iran Abbas Araqchi khẳng định các bên tham gia đang tiến tới một cách nhìn nhận chung nhằm cứu vãn thỏa thuận. Theo ông Araqchi, phái đoàn Iran đã đưa ra những văn bản đề xuất liên quan vấn đề hạt nhân và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo. Dù cho biết giữa các bên vẫn tồn tại những bất đồng nghiêm trọng nhưng, theo ông Araqchi, có một sự thống nhất đang hình thành, giúp các cuộc thảo luận tiến tới một nấc mới là cùng xây dựng một văn bản chung "ít nhất là về những lĩnh vực có chung quan điểm".
Về phần mình, phát biểu với báo giới bên ngoài phòng họp, đặc phái viên Trung Quốc Vương Quân (Wang Qun) cho biết tất cả các bên tham gia đều nhất trí thúc đẩy thảo luận về các vấn đề bao gồm những biện pháp trừng phạt sẽ được dỡ bỏ. Theo quan chức này, các phái đoàn thống nhất sẽ đẩy nhanh tiến độ làm việc trong những ngày tới với những cuộc thảo luận bao quát và chắc chắn hơn về dỡ bỏ trừng phạt và những vấn đề khác liên quan. Đặc phái viên Trung Quốc nhận định nhìn chung các cuộc thảo luận trong 2 ngày qua đã diễn ra một cách hiệu quả, với tinh thần xây dựng. Trong những ngày tới, các bên hy vọng Ủy ban Hỗn hợp về thỏa thuận Iran sẽ có thể lập tức khởi động đàm phán về kế hoạch cụ thể để dỡ bỏ trừng phạt.
Trong khi đó, đặc phái viên Liên minh châu Âu (EU) Enrique Mora cho biết nhiệm vụ lần này dù rất khó khăn nhưng các bên đã đạt tiến triển và đang tìm kiếm những giải pháp cụ thể. Đặc phái viên Nga Mikhail Ulyanov cho biết thêm các phái đoàn tham gia đàm phán đều hài lòng với tiến triển đạt được sau 2 vòng đàm phán và thể hiện quyết tâm tiếp tục tham gia thảo luận để hoàn tất tiến trình một cách thành công trong thời gian sớm nhất.
Các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) đã được nối lại từ ngày 6/4 tại Vienna (Áo). Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran và đưa các bên trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân là chủ đề hàng đầu của chương trình nghị sự lần này. Trong khi các bên còn lại tham gia thảo luận trực tiếp tại khách sạn ở Vienna thì phái đoàn Mỹ tham gia gián tiếp bằng hình thức trực tuyến tại một khách sạn khác gần đó, với EU đóng vai trò trung gian. Mỹ rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Vì vậy, Iran không chấp nhận việc Mỹ cử phái đoàn tham gia đàm phán trực tiếp nếu chưa dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Vòng đàm phán thứ 2 bắt đầu từ ngày 15/4 trong bối cảnh Iran tuyên bố nâng mức làm giàu urani lên 60%, động thái mà châu Âu bày tỏ quan ngại đặc biệt trong khi Iran cho biết quyết định này nhằm đáp trả một vụ tấn công nhằm vào cơ sở hạt nhân Natanz, ở miền Trung nước này. Tehran cáo buộc Israel đứng sau vụ việc. Ngày 17/4, IAEA xác nhận Iran hiện đã làm giàu urani ở mức 55,3%, cao hơn nhiều so với mức 20% mà nước này thực hiện từ đầu năm 2021. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng quyết định của Iran không giúp ích cho việc giải quyết bất đồng hiện nay nhưng điều đáng mừng là Iran vẫn tiếp tục tham gia các cuộc đàm phán.