Liên minh châu Âu (EU) cho biết cuộc đàm phán lần này sẽ có sự tham gia của các quan chức EU và đại diện của Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Iran - những nước còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Cuộc đàm phán nhằm quyết định liệu các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran có được dỡ bỏ và chính quyền Tehran sẽ thực hiện những bước đi nào nhằm tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 tại Vienna.
Trên trang Twitter, Đặc phái viên Nga tại các tổ chức quốc tế tại Vienna, ông Mikhail Ulyanov cho biết tiến trình đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran diễn ra chậm nhưng chắc chắn. Về phần mình, Đại sứ Trung Quốc Wang Qun cho biết tất cả các bên đã nhất trí đẩy nhanh tiến độ đàm phán và hy vọng trong vài ngày tới sẽ bàn tới việc dỡ bỏ một số biện pháp cấm vận Iran.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc Iran bác bỏ những đề xuất ban đầu của phương Tây hay việc Iran vừa bắt đầu làm giàu urani cấp độ 60% đã phủ bóng tiến trình đàm phán vốn đã không dễ dàng này. Theo thỏa thuận hạt nhân Iran, chính quyền Tehran cam kết làm giàu urani ở mức 3,67%, mặc dù vậy nước này đã làm giàu ở mức 20% hồi tháng 1 năm nay.
Việc ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ đã làm hồi sinh hy vọng cho các nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã rơi vào hỗn loạn sau vụ tấn công hồi cuối tuần trước nhằm vào cơ sở làm giàu hạt nhân chính Natanz mà Iran nghi ngờ do tình báo Israel đứng đằng sau.
Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo đã ngay lập tức đáp trả bằng tuyên bố nâng cấp độ làm giàu urani lên 60%, tức cao gấp 15 lần mức cần thiết để sản xuất điện và gần bằng mức cần thiết 90% để có thể chế tạo quả bom hạt nhân. Liên minh châu Âu và Mỹ cảnh báo bước đi như thế của Iran là “đặc biệt đáng tiếc” và “nguy hiểm”.
Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này là vì mục đích hòa bình. Một báo cáo tình báo hằng năm của Mỹ công bố hồi đầu tuần này cũng duy trì đánh giá của Mỹ rằng Iran hiện không thực hiện các hoạt động quan trọng nào được đánh giá là cần thiết để phát triển vũ khí hạt nhân.