Những ngày này, khi cả nước đang rạo rực khí thế chào mừng kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam 30/4, nhiều bạn trẻ TP Hồ Chí Minh cũng nôn nao tìm về các địa chỉ đỏ của thành phố để hiểu hơn về Đại thắng mùa xuân 30/4/1975.
Theo chân các bạn Đoàn thanh niên quận 3, chúng tôi đến thăm căn nhà làm Bảo tàng Biệt động Sài Gòn ở số 145 đường Trần Quang Khải. Đây là căn nhà hai tầng và vẫn giữ nguyên kiểu kiến trúc nhà cổ, được xây dựng trước những năm giải phóng.
Để lên được Bảo tàng Biệt động, chúng tôi phải đi qua một chiếc thang máy cổ. Chiếc thang máy này có từ khi căn nhà được xây dựng vào năm 1963. Đáng chú ý, cửa thang máy và các bức tường trong thang máy đều trạm khắc khá tỉ mỉ, từ thanh sắt, thanh gỗ đều được chạm khắc bằng nhiều họa tiết, hoa văn tinh xảo đẹp mắt, khiến ai lần đầu nhìn thấy cũng ngỡ ngàng.
Theo bạn Nguyễn Văn Thọ (ngụ ở phường 6, quận 3), lần đầu tiên cùng các bạn đến tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, ngay từ chiếc thang máy cổ đã khiến Thọ có cảm giác rất lạ và độc đáo. Trước đó, Thọ đã được trải nghiệm rất nhiều chiếc thang máy tại thành phố, nhưng chỉ riêng chiếc tháng máy cổ tại Bảo tàng này đã khiến Thọ bất ngờ và thích thú.
Ngoài ra, ở bảo tàng này, Thọ còn được trải nghiệm những không gian cổ kính xen lẫn chút hiện đại bằng việc đưa các ứng dụng các công nghệ thông minh, công nghệ thực tế ảo để tìm hiểu về lịch sử Biệt động Sài Gòn.
“Lần đầu tiên mình được trải nghiệm cảm giác thú vị khi xem những thước phim lịch sử về Biệt động Sài Gòn bằng công nghệ 3D. Những thước phim sống động khiến mình như lạc vào thế giới của Biệt động Sài Gòn. Không chỉ thế, mình còn có thể tương tác bằng các màn hình cảm ứng để tìm các thông tin về các chiến sỹ Biệt động giống như được chạm vào lịch sử, chạm vào quá khứ hào hùng của các cha ông đi trước. Tuy nhiên, điều khiến mình thú vị nhất là được trải nghiệm một ngày làm biệt động Sài Gòn có 1 không 2 trong đời”, Thọ tâm sự.
Anh Trần Vũ Bình (con trai ông Năm Lai- chủ căn nhà Bảo tàng Biệt động Sài Gòn) cho biết, Bảo tàng biệt động Sài Gòn là tâm huyết và tình cảm mà anh Bình muốn dành tặng, tri ân các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn năm xưa. Đây cũng là nơi anh gửi gắm, bày tỏ tình cảm, sự khâm phục của người con sống trong thời hòa bình gửi tới người cha Biệt động Trần Văn Lai (tức Năm Lai).
Vì vậy, để xây dựng nên bảo tàng này, anh Bình đã mất hàng chục năm cất công sưu tầm từng hiện vật có dấu chân chiến sỹ Biệt động lui tới thông qua việc tìm các nhân chứng lịch sử tham gia Biệt động Sài Gòn, hay về các vùng đất hoạt động cách mạng của chiến sỹ Biệt động Sài Gòn… Từ các hiện vật thu thập được, anh Bình đã mày mò, phục dựng, phục chế nguyên trạng các hiện vật của các chiến sỹ Biệt Động Sài Gòn để mọi người ngày nay có thể đến tham quan, trải nghiệm. Từ đó, mọi người có một cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử và những con người tham gia lực lượng Biệt động Sài Gòn năm ấy.
Anh Bình tâm sự : “Những câu chuyện của Biệt động Sài Gòn đẹp như thế, hay và ý nghĩa như thế thì không thể chỉ được người trẻ hôm nay biết đến qua bộ phim hay đôi dòng ghi chép trong sử sách mà tôi muốn làm điều gì đó thiết thực, gần gũi hơn, để không chỉ du khách mà các thế hệ trẻ trong nước cũng hứng thú tìm đến tìm hiểu, rằng đã từng có những chiến sĩ biệt động Sài Gòn hoạt động trong lòng địch bất chấp cái chết luôn cận kề”.
Ngoài hệ thống Bảo tàng thông minh về Biệt động Sài Gòn, anh Bình còn đang tiếp tục phát triển các di tích, nơi chứa vũ khí bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn để giới thiệu đến các bạn trẻ và du khách hiện nay như: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn ở cà phê Đỗ Phủ- cơm tấm Đại Hàn cơ sở 1 (287/72 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3); cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn cơ sở 2 (113A Đặng Dung, quận 1), nơi lưu giữ hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn; là căn nhà di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia có hầm chứa vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn (287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3)…