Trưa ngày 30/4, thời tiết TP Hồ Chí Minh khá oi bức, nhưng tại quán cà phê biệt động Sài Gòn ở 287/72 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, chúng tôi có vinh dự được tiếp chuyện với bà Đặng Thị Thiệp và nghe bà trải lòng mình về câu chuyện hoạt động cách mạng của chồng (ông Trần Văn Lai - biệt hiệu Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.Som), cả chuyện bị gắn mác “vợ bé” của bà Thiệp.
Bà Thiệp cho biết, như một sự sắp đặt của số phận, năm 1965 khi tổ chức dự định đưa bà Thiệp ra Bắc đi học nhưng giờ chót bị kẹt không đi được, bà Thiệp được các đồng chí cách mạng đưa vào vùng chiến khu Củ Chi. Ở đây, bà gặp ông Trần Văn Lai (Năm Lai) và bắt đầu có nhiệm vụ đóng vai nhân tình, "vợ bé" của một chiến sỹ biệt động Năm Lai, người đang có vỏ bọc nhà thầu khoán tại Dinh Độc Lập lúc bấy giờ để đi mua nhà, đào hầm chứa vũ khí cho cách mạng.
Năm 1965, ông Trần Văn Lai dưới vỏ bọc nhà thầu khoán Dinh Độc Lập, một nhà tài phiệt giàu có, đã cùng bà Thiệp “vợ bé” đi mua 3 căn nhà 287/68 - 70 - 72 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) để đào hầm và tập kết hàng tấn vũ khí nhằm chuẩn bị cho trận đánh Dinh Độc Lập và các mục tiêu khác. Khi chiến dịch Mậu Thân năm 1968 diễn ra, hai chiếc xe mà ông Năm Lai thường ra vào Dinh Độc Lập đã bị địch phát hiện ngay tại hiện trường của trận đánh Dinh Độc Lập, ông Năm Lai nhanh chóng bị lộ vỏ bọc. Ngay lập tức, địch phát lệnh truy nã ông và treo thưởng 2 triệu USD cho ai phát hiện ra ông.
“Đang đường đường chính chính là cán bộ, ra vào Dinh Độc lập thoải mái, đùng một cái ổng biến mất, địch tịch thu tài sản, truy nã và dán hình khắp nơi. Suốt 7 năm trời ông không dám đi ra đường, trốn tránh dưới hầm, chỉ lâu lâu có nhiệm vụ cấp bách mới ra khỏi nhà. Tuy nhiên, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, tôi và ông Năm Lai chính thức cưới nhau”, bà Thiệp kể thêm.
Dù vậy, bà Thiệp dưới con mắt hàng xóm vẫn là “vợ bé” của người đàn ông giàu có, sống một mình nuôi con, chồng lâu lâu mới ghé thăm. Khi ông Lai bị địch tịch thu hết gia sản, ông chỉ còn đường trốn trong nhà “vợ bé”. Trước đó, đề phòng sau trận đánh Mậu Thân 1968, ba căn nhà ở Nguyễn Đình Chiểu bị lộ, ông Năm Lai đã mua thêm nhà ở Võ Di Nguy (nay là đường Nguyễn Kiệm - Gò Vấp) để đào thêm hầm và vợ con lên đó sinh sống, đồng thời cũng làm chỗ trốn khi ông bị truy nã.
Bà Thiệp nhớ lại, một buổi trưa giữa năm 1969, vừa hé mở cửa căn nhà ở Võ Di Nguy, bất ngờ một toán bốn tên lính tay lăm lăm cầm súng xộc vào nhà. Ông Trần Văn Lai khuôn mặt khắc khổ, xanh xao sau hơn năm trời lẩn trốn trong nhà, cũng vừa trên gác bước xuống. Lập tức toán lính chĩa nòng súng, lên đạn hướng về phía ông Lai. Theo phản xạ, ông giơ hai tay lên trời, kêu vợ đi lấy giấy tờ cho lính soát. Bà Thiệp lập cập lục tấm thẻ căn cước rồng xanh đưa cho toán lính. Họ xem xét, hỏi han một hồi rồi bỏ đi trong sự thở phào nhẹ nhõm của hai vợ chồng.
Ở nhà Võ Di Nguy, ngày cũng như đêm, trong lòng bà Thiệp luôn thấp thỏm, lo âu sợ bị bắt bất cứ lúc nào, đi ra đường cũng luôn phải nhìn trước nhìn sau, nhiều đêm giật mình bật dậy để thức canh.
Vì vậy, có thể nói suốt 7 năm trời ông Năm Lai bị truy nã, đối với bà coi như không có tết, ăn uống thiếu thốn, không biết đến quần áo mới là gì, lại sinh đẻ liên tục 5 người con nên người bà Thiệp luôn gầy ốm xanh xao. Để sinh sống, bà Thiệp phải kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con bằng nghề bán xăng.
Bà Thiệp tâm sự, khi vừa sinh người con thứ ba là anh Trần Vũ Bình được ba ngày, bà đã tần tảo ra đường xách hàng chục lít xăng để buôn bán. Có hàng xóm thương tình thì giúp đỡ, ủng hộ, nhưng cũng có hàng xóm là vợ sỹ quan cảnh sát dè bỉu, tưởng bà làm lẽ giật chồng người khác thật nên hay mắng chửi và khinh khi. Có lần, bà Thiệp mới mua bình xăng để bán lại, bà vợ viên cảnh sát đến giật và buông lời miệt thị “mày giật chồng người ta thì tao cũng giật được của mày”. Nghe vậy, bà Thiệp chỉ biết nín lặng chịu đựng, không dám phản ứng sợ có bề gì ảnh hưởng đến sự an toàn của chồng.
Một lần ông Năm Lai trốn sang Campuchia để tìm đến tổ chức một thời gian, ông đã bị trúng độc do lạ nước nên phù người, bệnh thập tử nhất sinh suốt mấy tháng. Ông lần mò tìm về Sài Gòn với bà Thiệp và không quên dặn vợ mua sẵn tấm nilon, lỡ ông có chết thì bọc lại bỏ dưới hầm vùi cát lên, sau này thống nhất đất nước báo đơn vị đưa đi chôn cất.
Bà Thiệp nén nước mắt và nỗi đau, cố gắng chạy chữa cho chồng dù hy vọng có mong manh. Bà đi cắt 30 thang thuốc Nam, ông dần dần hồi phục trong sự mừng rỡ khôn nguôi của vợ con. Sau khi qua khỏi cơn bạo bệnh, ông Lai còn nhiều lần đưa người từ căn cứ vào nội thành, ẩn náu trong nhà để mua thuốc tây và gói tiền đô đem ra chiến khu cho lực lượng ta dùng. Cũng giống như nhiều lần trước chiến dịch Mậu Thân, ông Lai đưa cán bộ về hội họp liên tục, nên bà Thiệp đã quen, không lo sợ gì. Bà nói còn rất nhiều lần gói tiền tiếp tế cho căn cứ, nhưng không thể nhớ hết, đến sau này bà cũng không đòi hỏi gì lại.
Sau ngày giải phóng, vợ chồng ông Lai bà Thiệp tiếp tục làm công tác cách mạng, buôn bán nhỏ nuôi 6 người con. Để chồng chuyên tâm lo việc chính quyền, bà Thiệp lo chuyện chăn nuôi heo, bán rau má, trứng vịt lộn trước nhà để kiếm sống.
“Bao nhiêu nhà cửa gầy dựng được thời còn làm thầu khoán, ông nhà tôi không lấy lại, hai vợ chồng chỉ biết tận tụy làm lụng để nuôi đàn con”, bà Thiệp chia sẻ thêm.
Năm 2002, ông Năm Lai mất, bà Thiệp cùng anh Trần Vũ Bình đã miệt mài, lặn lội đi khắp nơi để tìm kiếm, lưu giữ, sưu tầm và tìm hiểu chi tiết về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Lai. Đáng quý hơn nữa, vừa dựng lại lịch sử cuộc đời trung kiên của chồng, bà Thiệp cùng anh Bình còn tìm tòi, lo chế độ đầy đủ cho một số đồng đội và tạo công ăn việc làm cho con cháu của những cán bộ từng hoạt động chung với chồng mình.
Bằng niềm say mê ăn sâu vào máu, cộng với sự hậu thuẫn của mẹ, gia đình anh Bình đã đi chuộc lại nhiều căn nhà của cha mình trước đây và xây dựng thành hệ thống bảo tàng di tích lịch sử văn hóa của biệt động Sài Gòn như: căn hầm di tích chứa gần 3 tấn vũ khí phục vụ trận đánh Dinh Độc Lập và các mục tiêu khác trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 ( ở 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 ngày nay); căn hầm rộng lớn hơn ngay bên cạnh hầm chứa vũ khí bí mật và nay là quán cà phê biệt động Sài Gòn; căn nhà có hầm chứa hộp thư liên lạc bí mật của biệt động Sài Gòn ở đường Đặng Dung, quận 1.
Các địa điểm này cũng vinh dự được nhiều vị khách quý, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng… tới thăm với sự ghi nhận công lao và niềm trân trọng. Ngoài ra, hàng ngày có đông đảo bạn trẻ và du khách nước ngoài lui tới để tìm hiểu về cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại; vừa tham quan, hiểu thêm về tính kiên cường, anh dũng của người Việt Nam.