Các nhân chứng lịch sử chia sẻ tại chương trình giao lưu. |
Làm nên danh hiệu Anh hùng của Biệt động Sài Gòn có sự đóng góp của lực lượng nữ biệt động trong công tác vận chuyển, xây dựng, cất giấu những hầm vũ khí trong nội đô. Các nữ biệt động đã tham gia công tác giao liên, tình báo; thực hiện những trận đánh khiến chính quyền Sài Gòn bàng hoàng ngay giữa lòng nội đô; mưu trí giúp cán bộ của ta thoát hiểm. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động Sài Gòn đã đồng loạt tấn công nhiều mục tiêu trọng yếu tại Sài Gòn, góp phần tạo ra cục diện mới, thế chiến lược mới và những khả năng mới cho Cách mạng miền Nam.
Trong một mũi tấn công sáng 31/1/1968 có một người mẹ ôm trên tay đứa con mới 2 tuổi vào trận đánh, đó là bà Đoàn Thị Nhỏ - vợ của Tư Chung (Nguyễn Đức Hùng- người chỉ huy lực lượng Biệt động Sài Gòn). Lúc ấy sinh mạng của ông Nguyễn Đức Hùng được kẻ địch treo giá hàng triệu USD. Bà Nhỏ chia sẻ, chiều mùng 1 Tết Mậu Thân 1968, bà ôm con nhỏ từ Tây Ninh về Sài Gòn, dẫn đường đưa 11 chiến sĩ vào cơ sở "ém" quân để tấn công vào 9 cơ quan đầu não của địch. Trong bối cảnh lộ trình đưa quân từ Tây Ninh về nội đô đầy bất trắc, bà Nhỏ đã gửi con cho một cơ sở cách mạng để tiếp tục làm nhiệm vụ.
Góp phần quan trọng trong những trận đánh vào các mục tiêu trọng điểm của địch trong Tổng tiến công Mậu Thân 1968 là các cơ sở mật, cất giấu vũ khí, tài liệu phục vụ cách mạng; trong số đó có kho vũ khí tại số nhà 99/1C (nay là đường Lê Văn Sĩ) do ông Phan Văn Bảy xây dựng để cất giấu vũ khí đánh vào Bộ Tổng tham mưu trong đợt Mậu Thân. Cả gia đình ông Bảy đều tham gia lực lượng biệt động. Hầm xây xong, ông được điều vào chiến khu, giao lại hầm vũ khí cho con gái là Phan Thị Thúy trông coi.
Bà Phan Thị Thúy cho biết, khi được cha giao trông coi hầm chứa vũ khí, bà còn rất trẻ, cũng chưa hình dung được đó là một công việc rất nguy hiểm. Lúc đó bà chỉ suy nghĩ: “Mỗi người một tay, mỗi người một việc góp sức”. Khi đó, bà sống cùng chồng và con nhỏ, tuy nhiên trước mạng lưới mật vụ, cảnh sát của địch dày đặc, bà đã xin mẹ chồng ra ở riêng để về “nhà mới” sống hợp pháp bằng nghề thợ may. Nhờ đó, bà đã giữ được kho vũ khí không bị lộ, phục vụ trận đánh vào Bộ Tổng tham mưu. Sau Mậu Thân, chiếc hầm này bị địch phát hiện, bà Phan Thị Thúy đã bị địch bắt giam qua nhiều nhà tù, đến ngày giải phóng bà Thúy mới được trở về với gia đình.
Trước những chiến công và vai trò của những nữ biệt động Sài Gòn, bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ khẳng định, nhắc đến lực lượng Biệt động Sài Gòn huyền thoại đánh giặc cứu nước không thể không nhắc đến những đóng góp quan trọng của nữ biệt động Sài Gòn, đội quân tinh nhuệ, kiên gan trước kẻ thù. Chúng ta mãi ghi nhớ công lao của các thế hệ đã anh dũng chiến đấu cho nền độc lập của dân tộc.