Cô Lý Thị Hồng Thắm, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trung Trực cho biết, đơn vị phối hợp Câu lạc bộ biệt động Sài Gòn nhằm tăng cường mở rộng không gian lớp học cho học sinh với phương pháp “thực học, thực nghiệm”, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất đạo đức người học trong việc xây dựng môi trường giáo dục toàn diện cho các em học sinh. Đồng thời, giúp học sinh chủ động tiếp cận kiến thức, tích cực, định hướng lý tưởng cách mạng và giáo dục truyền thống, niềm tự hào của các chiến sỹ biệt động Sài Gon năm xưa.
Các học sinh đã được gặp gỡ nhân chứng lịch sử của địa phương trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, như ông Phan Văn Hôn, chiến sỹ đội 5 anh hùng - Lực lượng vũ trang Biệt động Sài Gòn, cô Vũ Minh Nghĩa (tức Chín Nghĩa), viếng đền tưởng niệm Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành; tham quan khu hầm bí mật trong nội thành của các chiến sỹ biệt động tại quận 1, quận 3…
Ông Trần Vũ Bình (con trai anh hùng Trần Văn Lai, chiến sỹ biệt động Sài Gòn năm xưa) - người quản lý di tích lịch sử biệt động Sài Gòn, cho biết chương trình tham quan trải nghiệm “Một ngày làm chiến sỹ biệt động” của các em học sinh là chương trình đầu tiên nằm trong kế hoạch phát triển “Tour du lịch và chuỗi cà phê biệt động Sài Gòn” mà ông và các đơn vị Sở, ngành TP Hồ Chí Minh đang liên kết thực hiện.
Chương trình này vừa mang tính giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, vừa giúp các học sinh được gặp gỡ "người thật việc thật" để nghe họ kể chuyện chiến trường, giúp các em càng thêm yêu cuộc sống hiện tại, phấn đấu học tập xây dựng quê hương Việt Nam hôm nay và xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước đã đổ bao xương máu để giành độc lập tự do.
Theo đó, tour du lịch Biệt động Sài Gòn có 18 điểm di tích lịch sử liên quan đến các chiến sỹ biệt động Sài Gòn như: Dinh Độc Lập và Bia tưởng niệm Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập, Đài phát thanh Sài Gòn, Toà đại sứ Mỹ, quán Phở Bình - Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Mậu Thân 1968; di tích Quán Nhan Hương; hầm tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Gia Định; nhà và hầm Khu căn cứ Hội đồng Sầm ở Long An…
Đặc biệt, trong tour tham quan các "địa chỉ đỏ" của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn có căn hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công dinh Độc Lập tết Mậu Thân năm 1968 tại 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3); di tích Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn tại 113A Đặng Dung (quận 1)... Đây cũng là một trong nhiều những căn nhà năm xưa được chiến sĩ biệt động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.SOM…) chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Xúc động khi lần đầu tiên tham gia trải nghiệm "Một ngày làm chiến sỹ Biệt động Sài Gòn", một học sinh của trường THPT Nguyễn Trung Trực cho biết, em rất hào hứng và vui khi được trải nghiệm thật sự qua các câu chuyện có thật của chiến tranh và đây là những giờ học thật ý nghĩa, thiết thực.