Tính từ ngày 15/12 (ngày 2 ổ dịch mới phát hiện) đến ngày 29/12, toàn tỉnh không phát sinh thêm ổ dịch mới.
Để để tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch trong thời gian tới, tỉnh Tây Ninh đang cho rà soát tổng đàn chăn nuôi lợn trên địa bàn để có biện pháp phòng dịch.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; chú trọng giám sát chặc chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới; tuyên truyền để người dân không tham gia buôn bán, vận chuyển trái phép lợn và sản phẩm lợn qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; lấy mẫu xét nghiệm và tiêu huỷ sản phẩm nhập lậu. Đồng thời, tăng cường quản lý kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ; tổ chức cho các cơ sở giết mổ, các thương lái ký cam kết chỉ đưa vào giết mổ lợn khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng.
Kể từ ngày 20/12/2020 đến ngày 20/1/2021, tỉnh tổ chức đợt vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng chống dịch tả lợn châu Phi và các bệnh gia súc, gia cầm khác trên địa bàn tỉnh để phòng tránh các ổ dịch mới phát sinh.
* Tại Ninh Bình: Dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình khiến số lượng lợn bị chết và tiêu hủy lên đến hơn 14.000 con. Trước thực trạng đó, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường trong tiêu hủy lợn và tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng để người dân không vứt xác lợn ốm, lợn chết ra môi trường.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình từ tháng 3/2019, sau thời gian thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đến tháng 2/2020 dịch bệnh đã được kiểm soát. Tuy nhiên từ tháng 8/2020 đến nay, bệnh đã tái phát ở một số nơi. Hiện dịch bệnh đã xảy ra ở 8/8 huyện, thành phố với hơn 1.000 tấn lợn phải tiêu hủy và hơn 2.500 hố chôn.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình cho biết, một trong những khó khăn phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện nay đó là việc tìm vị trí đất để tiêu hủy lợn mắc bệnh. Hiện nay, dịch bệnh diễn ra phức tạp, lợn chết xảy ra cùng lúc ở nhiều hộ với trang trại quy mô lớn, số lượng lợn chết buộc phải tiêu hủy đã lên đến hàng chục nghìn con nên rất khó tìm kiếm quỹ đất công đủ để chôn lấp lợn bệnh. Ngoài ra, khi chôn tại các khu vực vùng trũng, ngập nước phải đào hố và gia cố rất khó khăn, đường vào nhỏ hẹp. Hiện, tỉnh Ninh Bình đã cấp 20.000 lít hóa chất và 300 tấn vôi bột để tổ chức phun khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi và tiêu hủy lợn chết.
Bà Đinh Thị Huyền Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình cho biết, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, trong khi đó, thời tiết diễn biến thất thường. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc đào hố, chôn lấp, tiêu hủy lợn, đe dọa đến môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đảm bảo vệ sinh môi trường trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình tiêu hủy lợn, các điểm chôn lấp nhằm phát hiện, xử lý kịp thời khi có sự cố và xử lý nghiêm việc vứt xác lợn chết ra môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các cấp áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh tại ổ dịch, nơi xử lý chôn lợn, phương tiện vận chuyển.
Đặc biệt, tiếp tục hướng dẫn các địa phương có dịch bệnh thực hiện phương án cụ thể chôn lấp, tiêu hủy lợn bệnh, chết đảm bảo vệ sinh môi trường; qua đó ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng, đảm bảo đủ nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.