Hà Tĩnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương 

Tại tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu tháng 10 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh tại 6 huyện, thị trấn và thị xã trên địa bàn toàn tỉnh này.

Tính đến ngày 18/11, dịch bệnh xảy ra tại 19 hộ của 11 xã, phường thuộc các huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Vũ Quang, thị trấn Cẩm Xuyên và thị xã Kỳ Anh. Số lợn ốm chết buộc phải tiêu hủy là 251 con với khối lượng trên 11.000 kg. 

Ông Trần Hùng, Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho Hà Tĩnh 15.000 lít hoá chất Iodine để tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Ngay sau khi nhận được hóa chất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh đã cung ứng 15.000 lít hóa chất Iodine cho 13 huyện, thành phố và thị xã trên địa bàn toàn tỉnh; cấp phát 1.400 lít hóa chất từ nguồn phòng, chống dịch năm 2020 hỗ trợ các địa phương như Kỳ Anh, Can Lộc, Thạch Hà và huyện Hương Sơn thực hiện phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Bên cạnh việc cấp phát hóa chất, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cũng đã thành lập đoàn công tác và phân công cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn, kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, hướng dẫn thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch theo Quyết định 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3995/QĐ-UBND ngày 9/12/2019 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Chi cục đôn đốc, hướng dẫn thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, nhất là các khu vực bị ngập lụt sau mưa lũ vừa qua; tổ chức lấy mẫu xác định dịch bệnh khi nghi ngờ lợn ốm tại các địa phương. 

Theo ông Trần Hùng, nhằm khống chế dịch tả lợn châu Phi một cách hiệu quả trong thời gian tới, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh, yêu cầu đối với các địa phương đang có dịch bệnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để xử lý triệt để ổ dịch; đặc biệt lưu ý rà soát nắm chắc tổng đàn, số hộ, trang trại chăn nuôi lợn; kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn. 

Các địa phương áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh tại ổ dịch, nơi xử lý chôn lợn, địa bàn nguy cơ cao, dụng cụ, phương tiện vận chuyển lợn bị bệnh và người tham gia xử lý ổ dịch; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn trong vùng dịch và khu vực liên quan. 

Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm tra, giám sát tại các cơ sở chăn nuôi, nhất là việc quan tâm đến hoạt động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm sau mưa lũ nhằm phát hiện sớm dịch bệnh để kịp thời bao vây, khống chế không để lây lan ra diện rộng; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng để tăng đề kháng cho đàn vật nuôi, thủy sản. 

Ngoài các giải pháp nói trên thì người dân cần lưu ý phòng chống dịch bệnh từ hoạt động hỗ trợ con giống của các tổ chức, cá nhân cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại sau mưa lũ, ông Hùng nhấn mạnh.

Phan Quân (TTXVN)
Bàn giải pháp cấp bách ứng phó dịch tả lợn châu Phi
Bàn giải pháp cấp bách ứng phó dịch tả lợn châu Phi

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, ngày 16/11, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp cấp bách để đối phó với dịch bệnh này. Các cơ quan liên quan của tỉnh cùng 9/9 huyện, thành phố, thị xã đã tham dự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN