Theo báo cáo số 9703/UBND-NN ngày 30/11/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng: vào 14h ngày 27/11/2020, có 11 con lợn của 2 hộ với tổng đàn là 24 con ở thôn 4, xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh bị dịch bệnh tả lợn châu Phi. Nhận tin báo của người dân, ngành thú y tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng V xét nghiệm và có kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Lực lượng chức năng cũng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ 24 con lợn này.
Trước tình hình dịch bệnh tái phát, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm soát, buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn để phòng, chống dịch. Đồng thời xử lý nghiêm các hộ chăn nuôi vi phạm trong việc giết mổ, buôn bán lợn bị nhiễm bệnh ra bên ngoài.
Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng cho biết, đây mới chỉ là trường hợp tái phát lại bệnh, chứ chưa phải dịch. Do xử lý kịp thời nên bệnh chưa kịp lây lan sang các hộ chăn nuôi khác trong vùng. Ông Long khuyến cáo người chăn nuôi cần thận trọng trong việc tái đàn, nhất là lựa chọn con giống phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tránh làm phát sinh dịch bệnh.
“Đối với ổ dịch, cơ quan chức năng đã tiến hành khử trùng, tiêu độc cũng như rắc vôi ở các khu vực chăn nuôi để đảm bảo không lây lan dịch bệnh ra bên ngoài. Song song với việc tiêu hủy lợn bệnh, các đơn vị đã tuyên truyền cho người dân áp dụng các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học khi tái đàn, khi chăn nuôi mới”, ông Long cho biết.
Hiện tổng đàn lợn trên toàn bộ huyện Đạ Tẻh có 55.200 con, trong đó chăn nuôi nông hộ 14.100 con và trang trại 40.100 con.
Trong đợt dịch tả lợn châu Phi từ tháng 6/2019- 3/2020, toàn tỉnh Lâm Đồng đã phải tiêu hủy trên 70.000 con lợn, chiếm 20% tổng đàn với trọng lượng tiêu hủy lên tới 4.538 tấn lợn hơi. Ngay sau khi công bố hết dịch vào ngày 5/5/2020, tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng tổ chức tăng đàn, tái đàn.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có tổng đàn trên 400.000 con với lượng thịt hơi trên 80.000 tấn; trong đó có 306 trang trại chăn nuôi tập trung tại các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và thành phố Bảo Lộc.