Hưng Yên ra quân giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi từ ngày 1/4

Ông Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, từ ngày 1/4 đến hết tháng 6, toàn tỉnh sẽ quyết liệt ra quân giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi.

Trước hết, tỉnh tập trung giải quyết dứt điểm những vi phạm nội đồng phát sinh từ năm 2016 trở lại đây, những vi phạm không liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và những vi phạm hành lang bảo vệ đê điều cách chân đê từ 10 m trở lại.

Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, điểm khai thác cát trái phép để xử lý nghiêm theo quy định Trên địa bàn Hưng Yên hiện nay tình trạng vi phạm hệ thống công trình thủy lợi vẫn phổ biến và tồn tại qua nhiều năm.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, toàn tỉnh hiện có hơn 3.700 trường hợp vi phạm; trong đó vi phạm chủ yếu là làm nhà, làm công trình phụ, lều quán, san lấp, trồng cây, chứa chất vật liệu...

Tập trung nhiều nhất là ở các huyện Kim Động với hơn 900 điểm vi phạm, huyện Khoái Châu với gần 800 trường hợp, huyện Yên Mỹ hơn 600 địa điểm. Các huyện Văn Giang, Mỹ Hào, Ân Thi, thành phố Hưng Yên mỗi nơi có từ 100 đến gần 400 trường hợp vi phạm.

Ven các dòng sông trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải, những mái nhà chi chít mọc lên như nấm; hàng trăm lều quán, đăng đó thả cá, đập ngăn sông cứ tồn tại từ năm này qua năm khác.

Theo người dân các huyện Khoái Châu, Kim Động, do các địa phương đã tổ chức đấu thầu dài hạn mặt nước cho dân sử dụng để thả cá, trồng sen nên khó chấm dứt hợp đồng. Nghiêm trọng nhất là nhiều xã trước đây đã bán đất giãn dân ven sông nên lòng sông ngày càng bị lấp đầy.

Điển hình là tại huyện Khoái Châu trên các tuyến kênh chính như: sông Từ Hồ, Sài Thị, sông Đồng Quê qua các địa phận các xã: Đông Tảo, Liên Khê, Phùng Hưng, Đại Hưng, Thành Công... có nhiều hộ dân lấn chiếm đất xây dựng các công trình lều, quán, kho chứa vật liệu vượt ra sát kênh, công trình phụ, xả thải rác vào công trình kênh mương.

Trên các sông Kim Ngưu, Trương Đìa thuộc huyện Kim Động; sông Hoà Bình, Đông Lỗ (thành phố Hưng Yên), sông Cầu Treo, Đồng Quê, Thái Nội (Yên Mỹ)..., tình trạng lấn chiếm dòng chảy vẫn tồn tại từ nhiều năm trước đã làm cho lòng sông ngày càng bị thu hẹp.


Hậu quả là dòng chảy bị ách tắc, nguy cơ mùa khô thiếu nước, mùa mưa thì ngập úng. Mỗi khi mưa lớn đồng đất của các địa phương thường xuyên bị ngập úng, nhiều nơi ở các huyện Khoái Châu, Văn Giang, Yên Mỹ, Ân Thi, Kim Động bị mất trắng hàng trăm ha lúa.

Việc lấn chiếm, xâm phạm công trình thủy lợi xảy ra ở tất cả các huyện trong tỉnh, tập trung chủ yếu ở những nơi có tuyến đường giao thông đi lại thuận lợi, dễ phát hiện, nhưng việc xử lý lại hết sức khó khăn, dẫn đến nảy sinh nhiều phức tạp ở một số khu vực nông thôn.

Theo cán bộ địa phương ở các huyện Kim Động, Khoái Châu, các vi phạm là hậu quả để lại từ hàng chục năm trước. Những cán bộ có liên quan giờ đã nghỉ hưu, chuyển công tác nên hiện tại chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm. Chính quyền sở tại đành "bó tay" chờ các cơ quan chức năng xử lý. Mặc dù năm nào tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương kiên quyết giải tỏa, xử lý triệt để nhưng các vi phạm vẫn không hề giảm mà còn tăng thêm.
 
Mai Ngoan (TTXVN)
Đắk Nông nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi
Đắk Nông nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi

Do ảnh hưởng của hạn hán và thời tiết bất thường, việc cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi là ưu tiên hàng đầu của tỉnh Đắk Nông trong mấy năm gần đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN