Hồ Đắk Ken, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil cạn trơ đáy dù người dân khu vực này chỉ mới tưới được khoảng 50% diện tích cà phê. Ảnh: Anh Dũng/TTXVN |
Mùa khô năm 2016 – 2017, hệ thống các công trình thủy lợi của tỉnh đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 38.000 ha cây trồng, tăng gần 60% so với cách đây 6 năm.
Đầu năm 2016, công trình thủy lợi Lâm trường Đắk Gằn, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông vừa được đầu tư cải tạo, nâng cấp với tổng số vốn gần 8 tỷ đồng. Công trình hiện đang đảm bảo nguồn nước tưới ổn định cho gần 100 ha cà phê liền kề và các khu vực lân cận.
Đây là hồ thủy lợi có tuổi thọ trên 25 năm nên đã bị bồi lắng, hư hỏng, không đủ điều kiện an toàn để tích nước. Sau khi được cải tạo, sửa chữa, công suất hồ chứa được nâng lên gần 65.000 m3, tăng hơn gấp đôi so với trước đây, đảm bảo nguồn nước ổn định để người dân tưới tiêu cho cà phê và các loại cây trồng khác trong mùa khô.
Gia đình chị Trần Thị Hương, ngụ xã Đắk Gằn là một trong hơn 100 hộ dân được hưởng lợi khi hồ thủy lợi Lâm trường Đắk Gằn được cải tạo, nâng cấp. Chị Hương cho biết, trước đây cứ đến hẹn lại lên, tới mùa khô là bà con canh cánh nỗi lo thiếu nước tưới.
Năm nào thời tiết ổn định thì đỡ, nếu hạn hán kéo dài là người dân phải đưa xe múc đào sâu xuống lòng hồ để lấy nước chống hạn. Nếu hạn nặng hơn nữa thì chỉ còn cách đứng nhìn cà phê héo rũ chờ… trời mưa, có năm năng suất giảm tới gần 50%.
Tại huyện Đắk R’Lấp, công trình thủy lợi Cầu Tư, thuộc địa phận xã Nghĩa Thắng cũng vừa được đầu tư cải tạo, nâng cấp trên quy mô lớn vào năm 2016. Công suất hồ chứa hiện tại là 8 triệu m3 nước, tăng gấp 8 lần so với trước đó.
Đây là công trình được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng Sản Việt Nam đầu tư, vừa để lấy nước rửa quặng bô xít, vừa để phục vụ nhu cầu tưới tiêu của người dân.
Theo ông Phan Sỹ Thịnh, Giám đốc Chi nhánh Đắk R’Lấp (Công ty TNHH MTV khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông), hồ thủy lợi Cầu Tư đang cấp nước ổn định cho gần 1.000 ha cây trồng tại xã Nghĩa Thắng và một số xã lân cận; trong đó, có hơn 250ha lúa nước của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Việc cải tạo, nâng cấp công trình đã trở thành điều kiện quyết định để người dân canh tác ổn định vụ lúa Đông Xuân, cũng như phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao trong khu vực.
Anh Hoàng Thanh Hân, một hộ dân có hơn 2ha cà phê, tiêu tại xã Nghĩa Thắng cho biết, hồ thủy lợi Cầu Tư được nâng cấp đã giúp gia đình anh trút được nỗi lo thường trực mỗi khi mua khô tới, đó là vấn đề nước tưới.
Bên cạnh nguồn nước dồi dào, ổn định, gia đình anh cũng tiết kiệm được khá nhiều nhiên liệu, công cán, máy móc, đường ống… so với trước đây. Hàng nghìn hộ dân trong khu vực cũng được hưởng những lợi ích tương tự.
Bên cạnh các công trình thủy lợi được nâng cấp, sửa chữa kịp thời, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn nhiều công trình đang trong tình trạng hư hỏng, bị bồi lắng, dẫn tới không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cũng như khả năng tích nước phục vụ chống hạn. Đặc biệt là tại các huyện phía Bắc của tỉnh như Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil, nơi tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới diễn ra ngày càng gay gắt trong những năm gần đây.
Ông Nguyễn Ngọc Lũy, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cho biết việc phòng chống hạn của địa phương đang gặp hai khó khăn lớn. Thứ nhất, nhiều công trình thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng, toàn huyện có 43 công trình thì có gần 50% cần sớm được cải tạo, nâng cấp để đảm bảo an toàn. Thứ hai, người dân phát triển các loại cây cần nhiều nước tưới vào mùa nắng như cà phê, cây ăn trái, tiêu… với tốc độ quá nhanh.
Ông Nguyễn Ngọc Lũy kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh, của Trung ương sớm xem xét, đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế hiện nay.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai gần 400 dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi với tổng vốn đầu tư là 253 tỷ đồng.
Các nguồn vốn chính được huy động bao gồm nguồn thu thủy lợi phí, nguồn vốn hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai – hạn hán, các nguồn đầu tư cho thủy lợi của Trung ương và địa phương, và nguồn viện trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch.
Ông Trịnh Văn Tường, Phó Giám đốc công ty cho biết, bên cạnh việc nâng cao năng lực cấp nước cho cây trồng trong mùa khô, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi trong thời gian qua cũng giúp nâng cao hệ số an toàn hồ đập, nhất là trong bối cảnh nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp nặng nề. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong mùa mưa lũ.
Phương hướng tới đây của công ty là phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả các công trình hồ đập đã được đầu tư nâng cấp, đồng thời lên phương án đầu tư, sửa chữa các công trình vẫn còn trong tình trạng hư hỏng, bị bồi lắng.
Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông cũng kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh, của Trung ương quan tâm đầu tư nhiều hơn cho việc sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của nhà nước và các nguồn viện trợ khác, các ngành chức năng cũng cần có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút vốn đầu tư vào hệ thống các công trình thủy lợi, nhất là trong bối cảnh hạn hán ngày càng gay gắt hiện nay.