Gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật Bảo hiểm y tế


Sau 1 tháng triển khai Luật BHYT sửa đổi, nhiều người dân vẫn rất lạ lẫm, thậm chí bức xúc với quy định phải mua thẻ BHYT theo hộ gia đình. Bởi lẽ, ngoài những thủ tục phát sinh thì quy định mới nêu rõ: Chỉ một người có tên trong hộ khẩu hoặc trong danh sách tạm trú không đồng ý thì những người còn lại không thể mua được thẻ BHYT.

Các cán bộ bán BHYT mệt mỏi kiểm tra đủ loại giấy tờ.


Thiếu tuyên truyền, chưa được cung cấp nhiều thông tin liên quan đến quy định mua thẻ BHYT theo hộ gia đình, trong khi các thủ tục mới phức tạp hơn so với trước đây… Đó là những nguyên nhân khiến người dân rất căng thẳng khi đi mua thẻ BHYT theo quy định mới của Luật BHYT sửa đổi.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, những thủ tục và quy định mới về BHYT theo hộ gia đình đang khiến nhiều người dân khó tiếp cận được BHYT.

Hơn 11 giờ trưa ngày 5/2, trước cửa  phòng bán BHYT của phường 15, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, vẫn còn rất đông người ngồi chờ đợi để mua BHYT. Hầu hết người dân đều có chung một lo lắng đó là không biết mình có đủ điều kiện để mua và gia hạn BHYT không?

Bà Hồ Thị Đoan, phường 15, lo lắng chia sẻ: “Tôi chờ từ 9 giờ sáng tới giờ nhưng vẫn chưa tới lượt. Không biết tôi có đủ điều kiện được mua BHYT không bởi trong hộ khẩu có nhiều người mà mới có mình tôi tham gia BHYT” .

Theo quy định hiện hành, nếu mua thẻ BHYT theo hộ gia đình, người đầu tiên sẽ mua với giá 621.000 đồng, từ người thứ hai, thứ ba, thứ tư sẽ được giảm trừ mức đóng với giá lần lượt bằng 70%, 60%, 50% so với mức đóng của người đầu tiên… Như vậy, với hộ gia đình có 4 người, chi phí mua BHYT cả năm hơn 1,7 triệu đồng; hộ có 5 người chi phí gần 2 triệu đồng... Tuy nhiên, đối với nhiều hộ gia đình có nhiều thành viên hơn thì việc bỏ ra một số tiền lớn liền lúc để mua BHYT là chuyện không đơn giản.

Cũng bởi vậy nên sau hơn một tiếng ngồi chờ đợi mua thẻ BHYT, chị Nguyễn Thị Bình, phường 15, đành phải về tay không, vì để mua được thẻ BHYT cho bản thân chị phải mua BHYT cho tất cả 14 người trong hộ khẩu. Bần thần ngồi ở bậc cầu thang, trên tay  cầm cuốn sổ hộ khẩu và tờ giấy đề nghị mua BHYT mới bị trả về, chị Bình ngân ngấn nước mắt nói: “Tôi đang điều trị bệnh tiểu đường, nếu có BHYT sẽ giảm được chi phí điều trị rất nhiều nhưng giờ thì không thể mua được. Nếu muốn mua BHYT thì tôi phải mua BHYT cho hết những thành viên còn lại. Liền một lúc mà mua BHYT cho hơn chục người thì tiền đâu mà mua. Để thuyết phục mọi người trong gia đình cũng rất khó, không phải ai cũng muốn mua BHYT vì có người cả mấy năm không dùng đến thẻ BHYT”.

Cùng chung cảnh ngộ, chị Thu Thảo, quận 15, lo lắng chia sẻ: “Tôi không biết làm sao để mua được thẻ BHYT, tôi đang ở trọ, có giấy tờ tạm vắng tạm trú đầy đủ  nhưng vẫn không mua được thẻ BHYT vì chủ nhà trọ không có ai tham gia BHYT. Để vận động cả gia đình chủ nhà mua thẻ BHYT thực sự là chuyện "không tưởng" vì họ đều có BHYT tại các bệnh viện quốc tế”.

Theo quy định, với những người ở trọ muốn mua BHYT thì phải lập danh sách cùng với gia đình chủ nhà trọ và mọi thành viên trong đó đều phải tham gia BHYT. Trước tình trạng người ở trọ gặp khó khăn khi mua BHYT, một cán bộ  BHYT tại phường 15, quận Bình Thạnh cho hay: “Nếu chủ nhà trọ không mua BHYT thì người ở trọ cũng không thể mua được BHYT tại nơi mình tạm trú mà chỉ có thể về địa phương nơi có hộ khẩu thì mới có thể mua BHYT khám, chữa bệnh”. 

Trước đó, trong đợt mở bán BHYT đầu tiên tại các phường ở TP Hồ Chí Minh, đã có  nhiều người dân bức xúc vì không mua được BHYT do thủ tục quá rườm rà và cứng nhắc. Ngay cả những cán bộ bán BHYT cũng ngán ngẩm vì phải đối chiếu kiểm tra quá nhiều giấy tờ. Một cán bộ phường của quận Bình Thạnh chia sẻ: “Từ khi triển khai luật BHYT mới, thủ tục giấy tờ khá nhiều dẫn đến bà con phải chờ đợi rất lâu.

Trong năm 2015, BHXH vẫn căn cứ vào danh sách người tham gia BHYT do các đơn vị, tổ chức lập lên để phát hành thẻ BHYT, đồng thời UBND xã cũng lập danh sách các hộ gia đình theo mẫu mà BHXH Việt Nam ban hành. Chậm nhất, ngày 1/10 là phải có đầy đủ danh sách theo hộ gia đình trên toàn quốc để rà soát đối chiếu, tránh việc cấp trùng thẻ BHYT.

Trước kia, để giải quyết cho một người mua BHYT chỉ mất độ vài phút vì chỉ cần nộp chứng minh nhân dân và thẻ cũ, còn bây giờ thì phải nộp cả hộ khẩu, các loại giấy phô tô, chúng tôi phải kiểm tra từng loại giấy tờ, đối chiếu xem ai đã có BHYT và ai chưa có BHYT trong hộ khẩu của họ mới hướng dẫn bà con được. Mỗi người như vậy nhanh cũng phải mất 10 -15 phút, bà con phải tốn thời gian rất lâu. Khổ nhất nhiều người chờ đợi lâu nhưng vẫn không mua được BHYT do thiếu nhiều giấy tờ hoặc trong hộ có người không mua BHYT”.

Tại Hà Nội, người dân cũng đang gặp những vướng mắc tương tự. Chị Trương Thị Thu, lao động tự do, đang tạm trú tại phường Cổ Nhuế cho biết: “Trước đây, mua BHYT tự nguyện rất dễ dàng. Nhưng với quy định mới thì tôi khó mà mua được thẻ BHYT tại Hà Nội, theo quy định, người lao động tạm trú như tôi phải được chủ nhà trọ lập danh sách cùng gia đình họ và thực hiện thêm nhiều thủ tục khác thì mới được mua thẻ BHYT. Mà thuyết phục được chủ nhà thực hiện điều đó thì đâu có dễ. Do đó, giờ tôi sẽ phải lo về quê để mua thẻ BHYT”.  

“Hộ khẩu nhà tôi tận 7 người; trong đó tôi, con trai, cháu gái đều thất nghiệp, một chị gái bị bệnh nên không đi làm được… Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên hiện tại chưa thể bỏ cả triệu bạc ra mua thẻ BHYT cho cả gia đình, đành phải về tích góp để mua thẻ BHYT sau. Tôi chỉ lo chẳng may bản thân và chị gái ốm mà không có thẻ BHYT thì biết trông vào đâu”, bà Nguyễn Thị Thắng, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, cũng buồn rầu chia sẻ.

Giảm thủ tục, thêm thời gian “quá độ”

Ông Phạm Lương Sơn (ảnh), Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh các giải pháp nhằm thực thi hiệu quả Luật BHYT trong thời gian tới.

´Theo quy định hiện hành, chỉ một người có tên trong hộ khẩu hoặc trong danh sách tạm trú không đồng ý thì những người còn lại không thể  mua được thẻ BHYT. Xin ông cho biết có cách nào để gỡ khó cho người dân không? 


Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, từ 1/1/2015, mọi người dân bắt buộc phải tham gia BHYT và tham gia theo hộ gia đình, đây là 2 quan điểm xuyên suốt nhằm tiến tới thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. 


Về nguyên tắc, quỹ BHYT là sự đóng góp của cộng đồng những người tham gia BHYT với mục tiêu chia sẻ rủi ro, nhưng mỗi người dân cũng cần hiểu rằng bản thân phải có trách nhiệm chia sẻ với khó khăn chung của cộng đồng.

Do đó, ngay trong 1 hộ gia đình, giữa các cá nhân cũng cần phải có trách nhiệm với nhau; khi còn có người chưa quyết định tham gia BHYT thì những thành viên khác cần vận động để tiến tới sự đồng thuận tham gia BHYT. Đây không chỉ là việc tuân thủ đúng pháp luật mà còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái ngay trong 1 hộ gia đình.


Trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay, cơ quan BHXH Việt Nam đã vận dụng tối đa những quy định có thể áp dụng trong thời kỳ chuyển tiếp để chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành thực thi Luật BHYT sửa đổi trên tinh thần đúng luật và đảm bảo sự thuận tiện nhất cho người dân.

Cụ thể, để tạo điều kiện khám, chữa bệnh cho những người tham gia BHYT tự nguyện từ trước năm 2014, cơ quan BHXH vẫn phát hành thẻ BHYT đơn lẻ cho họ trong quý I hoặc tới quý II/2015. Từ nay đến thời điểm đó, người đã được cấp thẻ BHYT ngắn hạn cần tìm cách vận động để những thành viên còn lại trong gia đình tham gia BHYT theo đúng quy định của Luật BHYT sửa đổi.

´Nhiều người dân cho biết, tuy chưa thuộc hộ nghèo hay cận nghèo nhưng kinh tế rất khó khăn, có người mắc bệnh mãn tính nên khó mua thẻ BHYT cho cả hộ gia đình. Xin ông cho biết có chính sách nào để hỗ trợ những đối tượng này không?


Với những hộ kinh tế không dư giả, có người mắc bệnh mãn tính thì càng cần phải chủ động tham gia BHYT theo hộ gia đình. Khi đó, mức đóng mua thẻ BHYT sẽ được giảm trừ dần, người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. So sánh sẽ thấy, số tiền mà quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh của một người mắc bệnh mãn tính trong một năm sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với chi phí mua thẻ BHYT cho cả hộ gia đình.   

´Phản hồi của nhiều người dân cho thấy, việc mua thẻ BHYT theo hộ gia đình rất phức tạp, thủ tục nhiều hơn vì phải chứng minh sự tham gia BHYT của từng thành viên. Vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao? 


BHXH Việt Nam cũng đã nhận được những thông tin về hiện tượng nêu trên, tuy nhiên người dân cũng cần phải làm quen với cách triển khai những quy định mới. Đơn cử, với hộ gia đình có 5 người thì người đại diện hộ gia đình phải chứng minh được đối tượng nào là có thẻ BHYT rồi (viên chức, học sinh sinh viên, người về hưu…)  bằng cách kê khai danh sách mã thẻ để không phải mua BHYT nữa. Việc kê khai danh sách cho nhiều người sẽ mất nhiều thời gian hơn so với việc chỉ khai thông tin để mua thẻ BHYT cho một người như trước đây nên sẽ khiến người dân chưa quen; thời gian qua, việc thông tin tuyên truyền về phương thức triển khai quy định mới cũng chưa được nhiều nên BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương chỉ yêu cầu người đại diện kê khai danh sách hộ gia đình tham gia BHYT theo mẫu quy định, không phải phô tô thẻ BHYT, hộ khẩu hay phải lấy chứng nhận của công an về nơi ở của những cá nhân có tên trong hộ khẩu hoặc danh sách tạm trú. Người kê khai cam kết và chịu trách nhiệm về nội dung và tính xác thực của việc kê khai đó; cơ quan BHXH sẽ kết hợp với chính quyền hậu kiểm thông tin đó, nếu phát hiện thiếu trung thực thì áp dụng chế tài để xử lý, kể cả việc bồi hoàn chi phí khám chữa bệnh và thu hồi thẻ BHYT đã phát hành.

´Nhiều người lao động làm ăn xa nhà, đang ở trọ tại các đô thị phản ánh, họ không thể mua thẻ BHYT vì chủ nhà trọ không lập danh sách như quy định. Những đối tượng này cần phải làm gì để có thể mua thẻ BHYT, thưa ông? 


Nếu chủ nhà trọ kiên quyết không lập danh sách, những đối tượng này cần phản ánh, kêu gọi sự can thiệp từ công an khu vực hoặc UBND sở tại. Khi đó, đại diện chính quyền cơ sở cần vào cuộc, yêu cầu chủ nhà trọ phải khai báo tạm trú theo đúng Luật Cư trú và lập danh sách mua thẻ BHYT cho những cá nhân đã đăng ký tạm trú. 


Xin cảm ơn ông!


Đan Phương




Đan Phương - Lê Xuân

Khắc phục vướng mắc của Luật Bảo hiểm y tế
Khắc phục vướng mắc của Luật Bảo hiểm y tế

Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về những giải pháp nhằm khắc phục vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện Luật bảo hiểm y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN