Ông Lê Văn Phúc (ảnh), Phó trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về những giải pháp nhằm khắc phục vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện Luật bảo hiểm y tế.
Sau 4 năm triển khai Luật BHYT (2009 - 2012), đã nảy sinh những bất cập gì, thưa ông?
Hiện nay, có quá nhiều nhóm đối tượng, do nhiều cơ quan chịu trách nhiệm lập danh sách cấp thẻ BHYT, nên dẫn đến tình trạng chồng chéo, cấp trùng thẻ, một người có nhiều thẻ BHYT, như đã xảy ra thời gian qua.
Luật BHYT hiện hành chỉ quy định tham gia BHYT theo cá nhân và không theo hộ gia đình, nên hầu như chỉ có người ốm mới tham gia BHYT tự nguyện. Ngoài ra, quy định về xã hội hóa, tự chủ tài chính chưa đầy đủ, dẫn đến tình trạng cơ sở khám chữa bệnh tự đặt giá dịch vụ y tế và thu thêm tiền của người bệnh BHYT. Bên cạnh đó, quy định về đấu thầu thanh toán thuốc BHYT chưa thống nhất, vai trò của cơ quan BHXH còn những hạn chế nhất định đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra. Vì vậy, đã có sự chênh lệch lớn về giá thuốc giữa các địa phương, thậm chí ngay trên cùng địa bàn...
Thời gian tới, sẽ thành lập hội đồng đánh giá, tư vấn về chuyên môn (gồm những chuyên gia y tế đầu ngành) nhằm phát hiện, phân xử những sai sót có tranh chấp hoặc chưa thống nhất giữa cơ sở y tế và cơ quan BHXH Việt Nam. |
Điều đáng nói là tình trạng lạm dụng BHYT vẫn xảy ra ở khá nhiều nơi, nhất là các cơ sở được đầu tư, trang bị máy móc từ nguồn xã hội hóa (XHH). Thầy thuốc chỉ định các dịch vụ kỹ thuật chưa cần thiết hoặc không phù hợp với chẩn đoán...
Vậy dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT trình Quốc hội tại kỳ họp này, có khắc phục được những vướng mắc nêu trên không, thưa ông?
Để khắc phục những vướng mắc nảy sinh trong thực tế triển khai chính sách BHYT, nhất là thực hiện Luật BHYT, Ban soạn thảo đã đề xuất một số quy định mới.
Trước tiên, để góp phần mở rộng đối tượng tham gia BHYT, trong Điều 2, sửa đổi quy định các đối tượng “có trách nhiệm tham gia BHYT” thành “Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc”, nhằm khẳng định mọi đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.
Mặt khác, để thuận lợi trong quản lý và tổ chức thực hiện, dự thảo sửa đổi Luật đã sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng (Điều 12) thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng BHYT như: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức BHXH đóng; nhóm do ngân sách nhà nước đóng; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng; nhóm tự đóng BHYT. Đặc biệt, trong dự thảo sửa đổi Luật, lần đầu tiên đưa ra quy định hình thức tham gia BHYT theo hộ gia đình. Những đối tượng: Người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp, thân nhân người lao động... thuộc nhóm tự đóng BHYT và tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình.
Về quyền lợi, Dự thảo sửa đổi Luật cũng bổ sung quy định nâng mức hưởng của thân nhân người có công, người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 95%. Nâng mức hưởng của người tham gia BHYT thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội từ 95% lên 100%, để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với các đối tượng này. Mặt khác, bổ sung quy định số tiền tối đa mà người bệnh cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong năm theo quy định của Chính phủ. Ví dụ, người bệnh tham gia BHYT ba năm liên tục trở lên, nếu chẳng may bị bệnh trọng, dài ngày, mà chi phí khám chữa bệnh cao; sẽ chỉ phải cùng chi trả viện phí tương đương 6 - 12 tháng lương/năm.
Theo ông việc điều chỉnh chính sách BHYT lần này có thể giúp cơ quan chức năng kiểm soát hiệu quả tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, nhất là từ máy móc XHH không?
Những quy định liên quan đến kiểm soát việc sử dụng máy móc XHH nằm ở văn bản dưới Luật.
BHXH cũng đã kiến nghị ngành y tế ban hành các quy trình khám chữa bệnh cho nhiều loại bệnh để các bệnh viện thực hiện, làm cơ sở cho cán bộ BHXH đánh giá, giám sát chất lượng, cũng như hiệu quả sử dụng quỹ BHYT.
Hiện nay, chúng tôi chủ yếu thực hiện hoạt động giám sát thủ tục hành chính, giá danh mục dịch vụ, chứ chưa thể đi sâu về chuyên môn, vì Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ các quy trình thực hiện các kỹ thuật, dịch vụ y tế.
Những vướng mắc trong khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở có được khắc phục trong thời gian tới không, thưa ông?
Việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở là một vấn đề lớn, cần triển khai nhiều giải pháp tổng thể. Tôi được biết, hiện nay, Bộ Y tế đang nỗ lực triển khai Đề án Bệnh viện Vệ tinh, đề án Bác sĩ gia đình, xây dựng và trình Chính phủ Đề án về nâng cao năng lực cho y tế cơ sở...
Theo tôi, với sự nỗ lực các cấp, các ngành, sự tích cực của người dân, cùng với những chính sách BHYT sắp được sửa đổi thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị đã đề ra, đó là tới năm 2020, sẽ đạt được tỷ lệ 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên(thực hiện)