Chậm mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), mức đóng và mức hưởng chưa tương xứng, khó khăn trong quản lý quỹ BHYT, chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu người bệnh...
Thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Thủy - TTXVN |
Đó là những vấn đề được đề cập tại Hội nghị tổng kết, đánh giá 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, do Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 6/11, tại Hà Nội.
Chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh
“Chất lượng khám chữa bệnh rõ ràng chưa đáp ứng được nhu cầu người dân: thủ tục khám chữa bệnh quá lâu, thủ tục thanh toán quá phiền hà, người bệnh còn phàn nàn về thái độ của cán bộ y tế tại những bệnh viện xảy ra tình trạng quá tải trầm trọng...”, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận.
Một đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết thêm: “Người bệnh có thẻ BHYT vẫn phải chịu cảnh quá tải tại các bệnh viện, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến trung ương: Người bệnh vẫn phải chờ đợi lâu khi khám chữa bệnh, tình trạng nằm ghép vẫn phổ biến... Chất lượng thuốc, điều trị, dịch vụ kỹ thuật y tế còn nhiều hạn chế, nhất là tại các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, người có thẻ BHYT vẫn phải tự trả khá nhiều từ tiền túi cho các chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi được hưởng”.
Theo đánh giá của các chuyên gia bảo hiểm xã hội (BHXH), chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người dân chưa mặn mà với việc tham gia BHYT. Đến nay, vẫn còn hơn 30% dân số chưa tham gia BHYT. Năm 2012, số người tham gia BHYT đạt 59,164 triệu người, tương đương khoảng 67% dân số. Trong số này có cả các nhóm đối tượng phải tham gia BHYT nhưng chưa tham gia đầy đủ như: Nhóm người lao động trong các doanh nghiệp mới đạt 49,9%; nhóm học sinh, sinh viên đạt 80,4%, nhóm hộ cận nghèo đạt khoảng 18,9%, nhóm tự nguyện chỉ đạt khoảng 24,5% tổng số đối tượng...
"Tỷ lệ hộ cận nghèo tham gia BHYT thấp do nhiều địa phương không lập danh sách hộ cận nghèo mà chỉ tập trung bình xét và lập danh sách hộ nghèo. Hơn nữa, nhóm đối tượng này thường có thu nhập thấp nên rất khó tham gia BHYT, dù có nơi Nhà nước và địa phương đã hỗ trợ đến 80% mức đóng BHYT”, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, cho hay.
Công tác mở rộng đối tượng tham gia BHYT tự nguyện cũng gặp nhiều khó khăn do người dân chỉ tham gia khi mắc bệnh mạn tính, có chi phí chữa trị cao. Chính quyền các cấp ở một số nơi chưa quan tâm đúng mức trong vận động, phối hợp với cơ quan BHXH tuyên truyền vận động; người dân thiếu thông tin về BHYT, nhiều người không biết phải mua thẻ BHYT ở đâu hoặc quyền lợi của mình ra sao.
Bên cạnh đó, quy định phân chia thành 25 nhóm đối tượng như hiện nay dẫn đến tình trạng một số người có thể được cấp nhiều thẻ BHYT, thậm chí tại tỉnh Yên Bái, có người nhận được 5 thẻ BHYT.
Khó quản lý quỹ
Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam: "Cơ quan BHXH Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý quỹ khám chữa bệnh BHYT. Tình trạng chỉ định quá mức dịch vụ khám, chữa bệnh khá phổ biến tại các bệnh viện. Cơ quan BHXH đang phải thanh toán giá thuốc, vật tư y tế cao, bất hợp lý; không quản được tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến. Việc kiểm soát giá thuốc, vật tư y tế tiêu hao, chỉ định điều trị (đặc biệt là nhóm thuốc hỗ trợ điều trị) đang gặp rất nhiều khó khăn".
Chi phí khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến trung ương quá lớn, tại tuyến này chỉ có hơn 3% tổng số lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh nhưng chiếm đến 21% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT, trong khi đó số lượt khám chữa bệnh tại tuyến xã, huyện chiếm tới 71% nhưng chi phí chỉ chiếm 32% tổng chi.
Nguyên nhân chính là do còn những bất cập về cơ chế chính sách. Hiện nay, quy định khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến làm gia tăng đáng kể chi trả từ quỹ BHYT. Chính sách về thuốc còn nhiều bất cập, công tác đấu thầu thuốc hiện tại làm cho giá thuốc cao, không thống nhất giữa các địa phương và khó quản lý; danh mục thuốc được quỹ BHYT chi trả quá rộng; thiếu các hướng dẫn chỉ định điều trị nên không có căn cứ để giám sát quá trình sử dụng thuốc tại bệnh viện. Đặc biệt, quy định về xã hội hóa, tự chủ tài chính chưa đầy đủ; quy định về đấu thầu, thanh toán thuốc BHYT chưa thống nhất nên tạo những khó khăn nhất định trong quản lý chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT...
Để tháo gỡ những vấn đề tồn tại trong đấu thầu thuốc, quản lý giá thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, sắp tới đề nghị Bộ Tài chính quản lý giá thuốc, tránh tình trạnh lâu nay Bộ Y tế "vừa đá bóng, vừa thổi còi”; vừa quản lý giá, vừa điều trị, vừa kê toa, vừa đấu thầu. Hoạt động đấu thầu thuốc sẽ dần được triển khai theo hướng đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia. Như vậy sẽ hạn chế được rất nhiều bất cập trong việc giá thuốc cao hoặc chênh lệch giữa các cơ sở y tế.
Để khắc phục khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Luật BHYT, thời gian tới Bộ Y tế đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các bộ, ban, ngành và địa phương,
“Mục đích sửa Luật BHYT là nhằm tăng tỷ lệ tham gia BHYT, đảm bảo lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, phấn đấu tới năm 2015 có ít nhất 75% dân số tham gia BHYT, tới năm 2020 là 80% dân số tham gia. Nguyên tắc là tăng quyền lợi tối đa nhưng hạn chế thấp nhất sự chi trả từ tiền túi của người bệnh. Đồng thời, tăng cường cả chất và lượng của các dịch vụ y tế để người dân được tiếp cận dễ dàng hơn và không phải tìm đến dịch vụ ngoài quyền lợi của mình...”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Phương Liên