Giải pháp khống chế mất cân bằng giới tính

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng, Phụ trách Tổng cục DS - KHHGĐ, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về các giải pháp nhằm khống chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) trong thời gian tới.

PV: Thực hiện thanh, kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ lựa chọn giới tính và xử lý theo quy định là một trong các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng MCBGTKS. Nhưng thực tế, các bà mẹ đều biết giới tính của trẻ trước sinh và nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật sinh con theo ý muốn. Vậy tới đây, ngành dân số có áp dụng biện pháp nào khả thi hơn không, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Văn Tân: Thực tế, việc phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về chẩn đoán, can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi rất khó khăn. Công tác thanh tra không được sử dụng các nghiệp vụ như điều tra nên khó phát hiện, khó bắt quả tang để xử lý. Do đó, cho đến nay, “Làm thế nào để tăng hiệu quả trong việc phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm?” vẫn là một bài toán hết sức khó khăn; ngành sẽ tiếp tục tập trung vào hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động, nâng cao ý thức cho cán bộ y tế. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa vấn đề không chẩn đoán và không cung cấp dịch vụ hỗ trợ lựa chọn giới tính như một nội dung y đức đối với người thầy thuốc.

Ảnh minh họa - TTXVN


PV: Dưới góc độ là đơn vị quản lý, tại sao ngành DS - KHHGĐ không thể đưa ra quy định phối hợp thanh, kiểm tra giữa cán bộ trong ngành với sự tham gia của lực lượng công an và các cơ quan chức năng khác? Ông có ý kiến gì về nhận định chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ mạnh nên chưa đủ sức răn đe đối với các vi phạm về lựa chọn giới tính?

Ông Nguyễn Văn Tân: Trong Dự thảo Đề án can thiệp giảm thiểu MCBGTKS mà chúng tôi đã xây dựng, cũng đã “tính” đến việc huy động các lực lượng khác như công an vào hoạt động thanh, kiểm tra các cơ sở y tế sản khoa; đồng thời, sẽ bố trí hệ thống giám sát, lắp đặt camera tại phòng khám… Tuy nhiên, tất cả các giải pháp này đều mới là “Dự thảo”, phải chờ cho đến khi Đề án được phê duyệt mới có thể áp dụng vào thực tế.

Riêng về việc xử lý các vi phạm, hiện nay, đã có những quy định rõ ràng như  trong  Nghị định số 114/2006/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em, sau đó đã được thay thế bằng Nghị định số 176/2013/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, ngoài việc xử phạt về tài chính, cán bộ y tế cũng sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề nếu tiếp tục có hành vi tái phạm.

PV: Như vậy, tuyên truyền, vận động vẫn được xem là giải pháp quan trọng nhất để giảm thiểu MCBGTKS. Vậy, tới đây, hoạt động này có gì thay đổi  để đạt hiệu quả hơn không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tân: Thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông giáo dục và vận động nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi liên quan đến MCBGTKS  nhằm cung cấp thông tin, cập nhật về tình trạng, nguyên nhân, hệ lụy của MCBGTKS. Đặc biệt, sẽ tập trung trung chủ yếu vào các vùng có TSGTKS cao, nhất là các địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng. Ngoài sự tham gia của cán bộ y tế, sẽ vận động, huy động sự tham gia của các cán bộ phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, các chức sắc tôn giáo… Bên cạnh đó, cũng sẽ lồng ghép chủ đề này vào những hoạt động văn hóa, nghệ thuật để tạo xúc cảm và ấn tượng mạnh hơn đối với người dân. Song song với đó, chúng tôi sẽ tổ chức những hoạt động mang tính chiến dịch để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, để công tác ngăn chặn mất cân bằng giới tính khi sinh đạt hiệu quả mong đợi thì còn cần thực hiện 4 điều kiện tiên quyết gồm: Tăng cường cam kết chính trị, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; Củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ nhất là ở tuyến huyện và tuyến xã: Công tác dân số phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương; Tăng cường và ưu tiên nguồn lực cho việc giải quyết các mục tiêu về MCBGTKS; Tăng cường hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quốc tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh phân theo vùng

(số bé trai/100 bé gái. Nguồn: Tổng Cục thống kê)

 

2010

2011

2012

Sơ bộ 2013

Cả nước

111.2

111.9

112,3

113,8

Đồng bằng sông Hồng

116,2

122,4

120,9

124,6

Trung du và miền núi phía Bắc

109,9

110,4

108,2

112,4

Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung

114.3

103,3

112,1

112,3

Tây Nguyên

108,2

104,3

98,4

114,1

Đông Nam Bộ

105,9

108,8

111,9

114,2

Đồng bằng sông Cửu Long

108,3

114,9

111,5

103,8



Phương Liên (thực hiện)
Ngăn chặn mất cân bằng giới tính khi sinh
Ngăn chặn mất cân bằng giới tính khi sinh

Dù Bộ Y tế đã triển khai nhiều đề án nhưng đến nay tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao trên toàn quốc, đặc biệt cao tại một số địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN