Ngăn chặn mất cân bằng giới tính khi sinh

Dù Bộ Y tế đã triển khai nhiều đề án nhưng đến nay tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao trên toàn quốc, đặc biệt cao tại một số địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp hữu hiệu hơn nữa.

"BÓ TAY" VỚI VI PHẠM

Để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngành y tế đã đề ra 3 nhóm giải pháp: Tăng cường truyền thông, giáo dục, thực hiện các chính sách ưu tiên nữ giới, thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp này vào cuộc sống xem ra vẫn khá lỏng lẻo và chưa hiệu quả.

Dễ dàng biết giới tính thai nhi

BS Đặng Phi Yến, Chi Cục dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Hiện rất khó để phát hiện được các phòng khám vi phạm quy định công bố giới tính thai nhi. Đa số các phòng khám đều "lách luật" bằng cách không nói trực tiếp giới tính của thai nhi mà chỉ thông báo gián tiếp như: “Giống bố” hay “giống mẹ”. Do đó, nhiều năm qua, Thanh tra Sở Y tế cùng với Chi Cục DS - KHHGĐ nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa thể xử phạt được đơn vị nào, dù các bà mẹ khám thai đều biết được giới tính của con mình trước sinh.
Trao đổi về vấn đề này, một đại diện của Tổng Cục DS - KHHGĐ cũng cho biết, từ năm 2010 đến nay, toàn quốc cũng chỉ phát hiện được khoảng 5 trường hợp thông báo giới tính thai nhi, mà tất cả những trường hợp này đều nhờ sự phát hiện của các phương tiện truyền thông.

Trong khi đó, theo kết quả Điều tra Biến động DS - KHHGĐ 1/4/2013 của Tổng cục Thống kê cho thấy, có đến 83% phụ nữ 15 - 49 tuổi biết giới tính thai nhi. Qua đó cho thấy, tình trạng xác định giới tính thai nhi rất phổ biến nhưng đến nay, các cơ quan chức năng vẫn “bó tay” với vi phạm này.

Tỷ lệ bé trai nhiều hơn bé gái đang phổ biến tại nhiều tỉnh thành. Ảnh: TTXVN


Một vấn đề đáng lo ngại khác là hiện nay, nhiều phòng khám sản tư nhân còn đang tích cực hỗ trợ các chị em sinh con theo ý muốn thông qua việc “canh trứng”, tạo môi trường âm đạo thích hợp và chọn thời điểm rụng trứng để giao hợp… 

Chị Nguyễn Ái Huyền, Định Công, Hà Nội, chia sẻ: “Do gia đình chồng chưa có cháu trai nối dõi nên tôi cũng đang nghe ngóng, học tập kinh nghiệm. Một số người bạn của tôi đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ lựa chọn giới tính trước sinh, một cô bạn khác cũng đang tiếp tục đi “canh trứng”.

Khi được hỏi về tên bác sĩ, phòng khám hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi, chị Huyền nói: “Khó gì, nhiều phòng khám sản tư nhân ở Hà Nội nhận “canh trứng” lắm, chỉ cần nói khó với bác sĩ một chút là sẽ được hướng dẫn ngay. Mấy người bạn tôi đều được hỗ trợ từ bác sĩ, mỗi tội hơi tốn kém một chút”.

Thực ra, không riêng gì chị Huyền hay một số người bạn của chị am tường và dễ dàng nhận được sự hỗ trợ lựa chọn giới tính trước sinh từ cán bộ y tế; chỉ cần vào Google và gõ từ khóa “sinh con trai theo ý muốn” là có thể tìm thấy hơn 640.000 kết quả liên quan. Trong đó, ở rất nhiều website, các bà mẹ chia sẻ cho nhau số điện thoại, tên bác sĩ, địa điểm phòng khám có thể hỗ trợ sinh con theo ý muốn. Thậm chí, một số trang web còn quảng cáo các dịch vụ sinh con theo ý muốn tại Thái Lan, Singapo với những lời giới thiệu rất hấp dẫn. Ấy vậy nhưng, không rõ vì sao, các cơ quan chức năng vẫn khẳng định: Rất khó có thể phát hiện các hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi.

Thiếu giải pháp mạnh và khả thi


Theo kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 1/4/2014 của Tổng Cục thống kê, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) tại Việt Nam trong 12 tháng trước thời điểm ngày 1/4/2014 là 112,2 bé trai/100 bé gái; trong khi, tỷ số chuẩn trung bình là 105 bé trai/100 bé gái.

Bên cạnh đó, kiểm tra của ngành y tế còn cho thấy, TSGTKS tại một số địa phương rất cao, đặc biệt các xã thuộc các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng, có nơi lên đến gần 150 trai/100 trẻ gái. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng vì có thể dẫn đến các hệ lụy như: Thừa nam thiếu nữ, nam giới khó lấy được vợ, tan vỡ cấu trúc gia đình, bất bình đẳng giới, gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em…

Điều đáng nói là từ năm 2006, ngành Y tế đã phải lên tiếng báo động vì TSGTKS đã đạt ngưỡng 109,8/100. Từ đó đến nay, Bộ Y tế cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), nhất là tại những tỉnh, thành phố có TSGTKS cao. Vậy tại sao đến nay,tình trạng MCBGTKS vẫn luôn ở mức báo động?  

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát MCBGTKS và cũng có những kết quả đáng ghi nhận. Nhưng để trả lời câu hỏi giải pháp đó đã đáp ứng nhu cầu chưa thì câu trả lời là “Chưa”. Tuy nhiên, nếu không triển khai những giải pháp đó thì chắc chắn tình trạng này còn nghiêm trọng hơn”.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng “thừa nhận”, chúng ta đang chú trọng nhiều vào việc cấm chẩn đoán và cấm các kỹ thuật lựa chọn giới tính thai nhi nhưng tính khả thi của giải pháp này không cao. Trong khi đó, nhiều đánh giá cho thấy, địa phương nào còn mang nặng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, người dân mong muốn có con trai bằng mọi cách thì nơi đó có TSGTKS cao. Do đó, giải pháp căn cơ vẫn là tăng cường truyền thông, giáo dục và vận động, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi liên quan đến MCBGTKS.

Tuy nhiên, là những người “trong cuộc”, một số bác sĩ sản khoa lại cho rằng: “Người dân đâu có thể lựa chọn giới tính thai nhi nếu không được các bác sĩ hỗ trợ kỹ thuật. Do đó, ngoài nguyên nhân ngành y tế chưa làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là chưa nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế, những người cung cấp dịch vụ hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi, thì vẫn có nguyên nhân thiếu chế tài giám sát và giám sát chưa tốt”.


Phương Liên - Đan Phương

Giải pháp khống chế mất cân bằng giới tính
Giải pháp khống chế mất cân bằng giới tính

Thực tế, việc phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về chẩn đoán, can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi rất khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN