Đường sắt xử lý trách nhiệm vụ hai toa tàu bị rời nhau tại Thanh Hóa

Liên quan đến vụ Đoàn tàu khách Bắc - Nam mang số hiệu SE5 đang trên hành trình bị hở móc nối khiến hai toa rời nhau ngày 16/7, ngành Đường sắt đang khẩn trương làm rõ nguyên nhân, quy trách nhiệm và xử lý các cá nhân liên quan.

Vào khoảng 13 giờ 45 ngày 16/7, đoàn tàu khách Bắc - Nam mang số hiệu SE5 trên hành trình hướng Hà Nội - Sài Gòn, khi đến đến Km 216+ 300 khu gian Thị Long - Văn Trai, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (thuộc xã Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) bị rời móc nối toa xe số 6 và số 7. Sự cố được nhân viên trên tàu SE5 phát hiện và báo cho trưởng tàu ra tín hiệu dừng tàu khẩn cấp để xử lý.

Hiện trường vụ tai nạn đường sắt tại Quảng Nam tháng 5/2018.

Mặc dù sự cố trên không gây thiệt hại về người và tài sản, nhưng làm chậm 1 số đoàn tàu, ảnh hưởng dây chuyền đến lịch chạy tàu của toàn hệ thống và gây bức xúc dư luận. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) ngay sau đó đã khắc phục sự cố, lịch chạy tàu; đồng thời có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan quy trách nhiệm, xử lý cá nhân để xảy ra vụ việc ngay trong tuần này.


Trước đó, trên đoạn tuyến đường sắt qua khu vực Thanh Hóa (đoạn qua khu gian ga Khoa Trường ở xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), ngày 24/5 cũng đã xảy ra vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng khi đoàn tàu khách mang số hiệu SE19 đâm vào một xe tải chạy băng qua đường sắt khiến đoàn tàu bị hất văng khỏi đường ray. Hậu quả làm 2 người chết, 6 người bị thương nặng; 6 toa tàu bị lật gồm: 4 toa tàu khách, 1 toa tàu đựng hàng, 1 toa phòng ăn và đầu máy; xe tải chở đá bị hư hỏng nặng.

Liên quan đến các sự cố liên tiếp của ngành Đường sắt trong hai tháng gần đây, Cục Đường sắt Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân thực thi công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt.

Theo đó, Cục trưởng Vũ Quang Khôi nhận trách nhiệm: Phê bình nghiêm khắc và chịu hình thức kỷ luật của Bộ GTVT do liên đới trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu; Phó Cục trưởng Khương Thế Duy nhận trách nhiệm hình thức kỷ luật khiển trách do trực tiếp phụ trách công tác ATGT đường sắt.

Ngoài ra, lãnh đạo các phòng tham mưu và Thanh tra an toàn của Cục Đường sắt có 3 người chịu kỷ luật khiển trách, 11 người chịu hình thức phê bình nghiêm khắc.

Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng, những vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng nguyên nhân do nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vi phạm quy trình tác nghiệp trên, gây bức xúc dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Bộ GTVT và của Cục Đường sắt Việt Nam.

“Cục Đường sắt Việt Nam nhận thấy có trách nhiệm trước các vụ tai nạn với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đường sắt. Việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với công chức thuộc Cục trực tiếp hay gián tiếp đến công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn đường sắt là cần thiết để mang tính chất răn đe, chấn chỉnh trong thực thi công vụ bảo đảm đạt hiệu quả cao hơn khi thanh tra, kiểm tra”, Cục trưởng Vũ Quang Khôi nhấn mạnh khi báo cáo Bộ GTVT.

SaveSave
Đăng Sơn/Báo Tin tức
Quyết định xử lý trách nhiệm lãnh đạo VNR sau tai nạn đường sắt
Quyết định xử lý trách nhiệm lãnh đạo VNR sau tai nạn đường sắt

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) việc xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt cuối tháng 5/2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN