Bình Dương: Có những con đường như sông giữa lòng đô thị

Thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) có quy mô dân số lớn, được công nhận là đô thị loại III năm 2017. Tuy nhiên giữa lòng đô thị, vẫn còn những đoạn đường xuống cấp nghiêm trọng, mùa mưa luôn trong tình trạng ngập úng như sông, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh.

Trời không mưa nhưng đường Thủ Khoa Huân (phường Bình Chuẩn) vẫn ngập, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Đường Thủ Khoa Huân, phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) được gọi là “con sông thu nhỏ” vì gần 6 năm qua, những người dân ở đây ngày mưa cũng như ngày nắng luôn phải sống trong cảnh ngập úng sâu, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông cũng như đời sống.

Theo ghi nhận của phóng viên, đoạn đường này xe tải thường xuyên qua lại, lòng đường nhiều “ổ voi", "ổ gà”, đường luôn ngập nước khiến người điều khiển phương tiện lưu thông không thể nhận biết được trên mặt đường có hố sâu, rất dễ xảy ra tai nạn. Vì không có hệ thống thoát nước, người dân nơi đây chỉ chờ nắng lên để nước bốc hơi đi.

Chị Đinh Thị Phượng, ngụ tại đường Thủ Khoa Huân cho biết: Trời mưa là nước tràn vào nhà, nhất là khi xe lớn đi qua là rác bị đẩy vào nhà, còn trời nắng thì rất bụi. Trên đoạn đường này người điều khiển phương tiện giao thông té liên tục, nhất là trẻ con, người già và phụ nữ có thai. Nguời dân đã phản ánh từ nhiều năm nay mà vẫn cứ vậy.

Ngoài đường Thủ Khoa Huân, tuyến đường Lê Thị Trung đoạn qua phường Thuận Giao, Bình Chuẩn (thuộc thị xã Thuận An), sau mỗi lần mưa là khoảng 2km đường bị ngập nước cả ngày không thoát được. Mùa mưa đến, nước dồn dập, ứ đọng kèm theo rác thải bốc mùi hôi thối. Tình trạng trên đã kéo dài hơn 2 năm, gây khó khăn trong sinh hoạt cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sinh sống hai bên đường.

Chị Nguyễn Thị Lan, đường Lê Thị Trung, phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An cho biết: Mưa ngập khiến xe cộ chết máy, đường có "ổ gà" đi lại gặp nhiều nguy hiểm. Việc buôn bán hai bên đường mỗi lần mưa xuống cũng bị ảnh hưởng. Sau khi nước rút, bùn đất bẩn ngập lại hai bên đường này rất hôi.


Ông Tôn Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An cho biết: Năm 2011, tỉnh đã có chủ trương nâng cấp mở rộng đoạn đường này, do điều kiện kinh phí lớn nên chưa được đầu tư. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, địa phương đã kiến nghị với UBND thị xã Thuận An hàng năm tổ chức duy tu, bảo dưỡng mặt đường. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước vào đường DT 743 cũng như đường Tân Phước Khánh.

Hiện tại, để chủ động đối phó với dòng nước bẩn mỗi ngày, người dân địa phương đã tự xây bờ be ngăn nước tràn vào nhà, dùng gạch, gỗ kê để làm lối đi, thường xuyên đóng kín cửa để tránh mùi hôi thối. Đây chỉ là những giải pháp tạm thời, người dân mong chờ dự án sửa chữa và nâng cấp hệ thống cống thoát nước trên những tuyến đường này sớm được triển khai để bà con ổn định cuộc sống, yên tâm mỗi khi ra đường.

Tin, ảnh: Huyền Trang (TTXVN)
Đề xuất nhiều biện pháp giải quyết ngập nước ở TP Hồ Chí Minh
Đề xuất nhiều biện pháp giải quyết ngập nước ở TP Hồ Chí Minh

Nhiều giải pháp mới nhằm giải quyết vấn đề ngập nước do mưa và triều cường ở TP Hồ Chí Minh được các nhà khoa học và đại diện các sở, ngành đưa ra tại hội thảo: Tác động của ngập lụt tới kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh và chiến lược tích hợp để nâng cao khả năng thích nghi và ứng phó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN