Quốc lộ 31 qua trung tâm thị trấn Đình Lập (Lạng Sơn) dài hơn 60km là tuyến giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng khu vực biên giới của huyện hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới việc đi lại, phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc nơi đây. .
Theo phản ánh của những hộ dân sinh sống lâu năm dọc tuyến đường này, thì trước kia, mặt đường bằng phẳng, thoáng đãng rất thuận tiện cho việc đi lại cũng như trao đổi hàng hóa của nhân dân.
Tuy nhiên cách đây khoảng 6 – 7 năm về trước do triển khai thi công các công trình xây dựng cùng với việc các xe trọng tải lớn chở hàng xuất khẩu đi qua đã làm cho con đường xuống cấp nghiêm trọng.
Đi dọc theo tuyến đường mới thấy nỗi khổ của người dân nơi đây bởi con đường đã bị biến dạng hoàn toàn; mặt đường bị cày xới, dập nát, lởm chởm đá, nhiều chỗ tạo thành vũng sâu tới hơn mét; trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì lầy lội, trơn trượt khiến cho người, phương tiện đi lại hết sức khó khăn.
Đặc biệt vào mùa mưa thì xã Bính Xá, nằm cuối con đường thường xuyên bị cô lập, việc đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân cũng như việc học hành của học sinh hoàn toàn bị ngưng trệ.
Theo Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Lạng Sơn tuyến đường này đã được được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cải tạo nâng cấp từ năm 2008 với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư và đến cuối năm 2009 đã khởi công.
Toàn bộ tuyến đường đã được giải phóng mặt bằng và bàn giao cho các đơn vị thi công. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau thì toàn bộ các gói thầu thuộc dự án đều dừng lại do thiếu vốn. Các nhà thầu lần lượt di dời máy móc, công nhân ra khỏi khu vực dự án.
Ông Hoàng Văn Tú, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Lạng Sơn cho biết: Do toàn bộ tuyến đường hơn 60 km đã bàn giao cho nhà thầu thi công nên từ cuối năm 2009 đến hết năm 2011, công ty không còn được cấp kinh phí để duy tu sửa chữa thường xuyên vì vậy con đường ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, không biết khi nào tuyến đường này mới được cải tạo nâng cấp theo dự án đã phê duyệt.
Trước tình hình đó, sang năm 2012, công ty mới được cấp kinh phí để duy tu bảo dưỡng; tuy nhiên với tổng mức kinh phí gần 2 tỷ đồng một năm cho tất cả chi phí từ công tác quản lý đến việc sửa chữa, tuần tra, kiểm tra, phát quang, phòng chống lụt bão… nên rất khó khăn.
Hiện tại Công ty cử hơn 20 công nhân thường xuyên tuần tra theo dõi toàn bộ tuyến đường nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố như sụt lún gây ách tắc và xử lý các điểm gây mất an toàn. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế bởi toàn bộ nền và mặt đường đã hư hỏng nên rất cần sự quan tâm của Nhà nước để tuyến đường sớm được cải tạo nâng cấp nhằm đảm bảo giao thông được thuận tiện, nâng cao đời sống, kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Thái Thuần