Hiểu lầm 'chết người' khi chọn mua cà phê

Cà phê chuẩn khi pha sẽ có màu nâu cánh gián, nước trong chứ không phải màu đen đục như nhiều người vẫn nghĩ. Nó cũng không sánh như cà phê có pha thêm tạp chất.

Cà phê là loại thức uống phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, có những ly cà phê mà tỉ lệ cà phê thật chỉ từ 10 - 20%, thậm chí là 0% thì không những không mang lại tác dụng nào mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người uống.

Không nên chọn cà phê khi pha có màu đen đặc, quá sánh và nhiều bọt. Ảnh minh họa

Để nhận biết cà phê thật, bạn có thể dựa vào những dấu hiệu trong 4 bước: Khi cà phê còn là hạt đã rang, bột cà phê, khi đang pha và khi đã pha.

Khi cà phê đã được rang (dạng hạt)

Nhìn thấy hạt cà phê còn nguyên chưa hẳn đã là dấu hiệu để bạn khẳng định đó là cà phê chất lượng. Bởi trong quá trình xử lí, rang cà phê thì những vấn đề về độ thơm, màu sắc của hạt có thể được xử lí bằng hóa chất mà bạn khó có thể phân biệt.

Mùi của hạt cà phê sau khi rang xong nhẹ nhàng chứ không nồng nặc mùi của bơ, caramel hay các hóa chất tạo mùi khác. Tùy vào việc rang vừa hay rang chín mà độ dầu trong hạt cà phê khác nhau, nhưng chỉ là một chút chứ không quá bóng như khi chứa hóa chất.

Khi đã được xay (dạng bột)

Sau khi được xay thì bột cà phê chất lượng có trọng lượng riêng rất nhẹ, xốp, mịn màng, có màu nâu đen, đều màu chứ không như cà phê bẩn xuất hiện nhiều hạt có màu sắc nổi bật bất thường do chứa hóa chất, tạp chất. Mùi thơm nhẹ nhàng, dễ chịu.

Khi đang pha

Nhìn thấy độ nở của cà phê khi đang pha là bạn đã có thể biết được đâu là cà phê sạch. Do cà phê có trọng lượng riêng khá thấp, độ nở rất cao nên khi pha bằng phin, bột cà phê sẽ nở đầy ắp thành phin, thậm chí đầy lên cả nắp phin. Ngược lại, cà phê bẩn chứa ngô và đậu nành cháy thì khi pha xong vẫn giữ nguyên trạng thái ban đầu, không giãn nở.

Khi đã pha

Cà phê mùi hương tự nhiên, thoang thoảng dễ chịu chứ không gắt như khi chứa chất tạo mùi, bơ… Cà phê có màu nâu cánh gián, trong chứ không phải là màu đen đục. Độ sánh rất ít, chỉ hơn nước tinh khiết một chút. Nhiều người vẫn thường cho rằng cà phê ngon phải sánh đậm nhưng thực chất, chỉ cà phê pha tạp chất mới có độ sánh như vậy. Vị đắng nhẹ, thanh chứ không đắng gắt.

Về mặt chuyên môn, PGS TS Lê Quang Hưng (ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh) cho biết, hạt cà phê được chế biến từ trái cà phê, chủ yếu là 2 nhóm cà phê là Arabica (cà phê chè) và cà phê Robusta (cà phê vối, chiếm 95% diện tích trồng tại Việt Nam).

Cà phê chè có hương thơm hơn. Cà phê vối ít hương thơm nhưng vị đậm hơn. Cà phê chè có hạt dài, hình thuôn, tỉ lệ dài/rộng = 1,3. Còn cà phê vối có hình thuôn ngắn hơi tròn, tỉ lệ dài/rộng  = 1,1.

Hạt cà phê nhân được rang ở 230 độ C với thời gian 11 phút. Màu sắc của hạt thay đổi từ màu xanh ngọc bích (cà phê nhân) chuyển sang màu nâu là đạt yêu cầu. Màu sắc hạt chuẩn là màu nâu cánh gián, nếu rang chưa tới, hạt có màu nhạt hơn, nếu rang lâu, màu đậm hơn.

Hiện nay, một số chất phụ gia phổ biến được thêm vào cà phê bột như củ cải trắng lá xoăn Cichory, hạt bắp, hạt đậu đen được rang trộn với bột cà phê. Ba loại này khi rang có màu nâu nhưng không có hương thơm cà phê, không có caffeine, sau khi xay thường kích cỡ hạt không đều, bột mịn hơn, màu thường đen hơn. Các chất phụ gia này làm giảm chất lượng cà phê và ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Hoàng Dương/Báo Tin tức (tổng hợp)
Cà phê trộn lõi pin có thể gây ngộ độc và phá hủy hệ thần kinh
Cà phê trộn lõi pin có thể gây ngộ độc và phá hủy hệ thần kinh

Lõi pin chủ yếu là bột mangan dioxit, nếu uống phải chất mangan với lượng lớn có thể gây ngộ độc và ảnh hưởng tới thần kinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN