Bắt quả tang cơ sở dùng lõi pin trộn vào hàng tấn cà phê. Ảnh: TTXVN |
Vừa qua sự việc bắt quả tang một cơ sở sản xuất hàng tấn cà phê trộn với bột đá và sử dụng lõi pin làm chất nhuộm cà phê khiến người dân không khỏi lo lắng về tác hại của những chất này.
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội): Pin không phải là một thứ phụ gia, cũng không phải chất nhuộm màu, vì thế đây là thứ không được dùng vào thực phẩm dù với bất cứ lý do gì. Lõi đen của pin chính là cục bột than được ép chặt để tạo điện cực dương cho cục pin, phải tán rất lâu mới có thể thành được một dạng bột mịn.
Còn PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Lõi pin chủ yếu là bột mangan dioxit, chất tạo ra màu đen. Nếu được trộn với bột cà phê, mangan sẽ thôi ra nước, người uống phải có thể bị ngộ độc.
Cũng theo PGS. Côn, hàm lượng mangan trong cơ thể nếu cao vượt quá 0,5 mg/lít sẽ gây ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng.
Theo các chuyên gia, chất mangan tuy không có khả năng gây đột biến cũng như hình thành các bệnh nguy hiểm như ung thư, cũng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, nhưng nó có liên quan mật thiết đến hệ thần kinh, gây ra các độc tố hình thành hội chứng manganism với các triệu chứng tương tự bệnh Parkinson. Nếu lượng mangan hấp thu vào cơ thể cao có thể gây độc với phổi, hệ thần kinh, thận và tim mạch.
Trên thực tế nếu sử dụng nước bị nhiễm mangan trong thời gian dài, có thể làm giảm khả năng ngôn ngữ, giảm trí nhớ, giảm khả năng vận động liên quan đến tay và chuyển động của mắt, nếu nhiễm độc mangan lâu ngày có thể dẫn đến triệu chứng thần kinh không bình thường, nhất là về ngôn ngữ.