Lao động trẻ làm những công vệc nặng nhọc, thường xuyên đối mặt với nguy hiểm. Ảnh: Lê Phú |
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính hàng năm có khoảng 2,3 triệu người chết liên quan đến thương tích và bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, hơn 313 triệu người gặp tai nạn lao động, tuy không gây tử vong nhưng cũng để lại thương tích nặng nề. Hưởng ứng Ngày thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc (28/4) và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2018, Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức diễn đàn “Vì một thế giới an toàn và khỏe mạnh: Cải thiện an toàn, vệ sinh lao động cho lao động trẻ”.
Bà Miranda Kwong, Quyền Giám đốc ILO tại Việt Nam dẫn số liệu thống kê của ILO cho thấy, hiện trên thế giới có khoảng 541 triệu lao động trẻ ở độ tuổi 15 - 24, chiếm hơn 15% tổng lực lượng lao động toàn cầu. Lao động trẻ có tỉ lệ tai nạn lao động cao hơn 40% so với nhóm lao động lớn tuổi hơn. Tại Việt Nam, tai nạn trong nhóm lao động trẻ cũng chiếm tỷ lệ cao.
Gánh nặng do thương tích, ốm đau và tử vong do tai nạn lao động dẫn tới những thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế, đặt ra nhu cầu bức thiết về việc đầu tư thỏa đáng vào công tác ATVSLĐ ở cấp quốc tế, quốc gia và cấp doanh nghiệp. Là một quốc gia có đông lao động trẻ trong độ tuổi từ 15 - 24 tuổi, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: Việt Nam đã ban hành những chính sách, quy định hướng tới việc bảo đảm ATVSLĐ cho lao động trẻ. Cụ thể như: Quy định doanh nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm huấn luyện ATVSLĐ cho lao động mới vào làm việc; quy định về việc bảo đảm an toàn lao động cho đối tượng lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động… Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức trong ngăn ngừa và giảm thiểu tai nạn lao động nói chung và trong lao động trẻ nói riêng, bao gồm cả nâng cao nhận thức, kỹ năng và hiểu biết về việc tuân thủ các quy định ATVSLĐ của lao động trẻ.
Theo ông Hà Tất Thắng, những yếu tố có thể làm tăng tính dễ tổn thương đối với lao động trẻ như: Thiếu kinh nghiệm làm việc; nhận thức hạn chế về các mối nguy hiểm liên quan đến công việc và thiếu khả năng thương lượng. Điều này dẫn đến lao động trẻ chấp nhận những nhiệm vụ nguy hiểm hoặc công việc có điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn.
Do đó, đại diện ILO cho rằng, để xây dựng một thế hệ người lao động an toàn và khỏe mạnh, nên bắt đầu từ môi trường gia đình và cộng đồng thông qua giáo dục và dạy nghề. Người sử dụng lao động cũng cần nhận thức được các mối nguy hiểm và rủi ro do lao động trẻ gặp phải tại nơi làm việc. Mục tiêu cải thiện ATVSLĐ cho lao động trẻ chỉ có thể đạt được thông qua những nỗ lực đồng bộ từ nhiều phía, cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức đại diện cho người lao động, đặc biệt là sự tham gia của thanh niên và tổ chức đại diện cho thanh niên.
“Khi xây dựng văn hóa phòng ngừa bền vững về ATVSLĐ, phải dành sự quan tâm đặc biệt đối với những ngành nghề có nguy cơ cao và nhóm lao động yếu thế, bao gồm lực lượng lao động trẻ hiện đang làm việc trong các ngành nghề nguy hiểm, độc hại”, bà Miranda Kwong cho biết.