Các cơ chế đặc thù là rất cần thiết, nhằm huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển.
Quy hoạch hàng loạt công trình kết nối vùng
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2025, với hàng loạt công trình kết nối liên vùng như Vành đai 4, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, phát triển hành lang sông Sài Gòn, mở rộng các cao tốc hiện hữu…
TP. Hồ Chí Minh vẫn sẽ giữ vai trò dẫn dắt, hạt nhân, động lực tăng trưởng của Đông Nam Bộ và cả nước. Thành phố sẽ tập trung xây dựng, nâng cấp các cao tốc, quốc lộ và vành đai; xây dựng các tuyến đường sắt đầu mối khu vực TP. Hồ Chí Minh; đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD, đảm bảo kết nối, đồng bộ với các tuyến đường sắt đô thị của Bình Dương, Đồng Nai và Long An.
Các tuyến giao thông quốc gia trên địa bàn Thành phố thực hiện theo quy hoạch có cao tốc Bẳc - Nam phía Đông, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng; các Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50, Quốc lộ 50B. Phát triển đường vành đai đô thị gồm Vành đai 3, Vành đai 4.
Những định hướng này sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh được bố trí nguồn lực đầu tư các công trình, mở ra không gian phát triển cho cả khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và Vùng kinh tế trong điểm phía Nam nói chung.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15, giai đoạn 2026 – 2035 có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp đưa nước ta thành nước công nghiệp, thể hiện cao nhất khát vọng vươn lên của dân tộc, sự đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống chính trị để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Vì vậy, cần xác lập vị trí, vai trò của TP. Hồ Chí Minh trong 10 năm tới theo tinh thần Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ chính trị.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, ba nhân tố cơ bản nâng cao năng lực cạnh tranh là thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng - phải là những đặc điểm vượt trội của TP. Hồ Chí Minh; trong đó, Thành phố cần tập trung những dự án làm thay đổi thành phố, đó là hoàn chỉnh hệ thống giao thông kết nối vùng như cao tốc và vành đai, trục giao thông Bắc-Nam và đường ven sông Sài Gòn.
Thành phố cần ưu tiên thực hiện sớm các dự án trong năm 2025-2026 để tháo gỡ điểm nghẽn cửa ngõ như Quốc lộ 13, Quốc lộ 22; Quốc lộ 1; Quốc lộ 50... Xây dựng hệ thống giao khung đường bộ cả đối nội và đối ngoại trước năm 2030. Nghiên cứu phương án kết nối với Cần Giờ và Bà Rịa - Vũng Tàu, đường sắt đô thị nối ga Thủ Thiêm với sân bay Long Thành.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh Võ Khánh Hưng cho biết, Sở đã chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể đường Vành đai 4.
Hiện tại, Sở Giao thông Vận tải tập trung phối hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, kết nối vùng như Vành đai 3, mở rộng Quốc lộ 50… “Đặc biệt với 5 dự án áp dụng hợp đồng BOT theo Nghị quyết 98/2023/QH15, phấn đấu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công ít nhất 2 dự án trong năm 2025”, ông Võ Khánh Hưng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông chia sẻ, năm 2025 là năm của những cơ chế đặc biệt để triển khai các dự án. Ngoài Nghị quyết 98/2023/QH15, các cơ chế đặc biệt cho Vành đai 4, phân cấp cho địa phương trong chuẩn bị phê duyệt dự án nhóm B, C; quy trình xử lý nhà thầu vi phạm hợp đồng được rút ngắn… sẽ giúp triển khai các dự án cao tốc Mộc Bài, Vành đai 2, Vành đai 4 nhanh nhất.
Cởi “nút thắt” cơ chế để đầu tư
TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ đã đạt được những thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo động lực kinh tế quốc gia. Đây là nền tảng để Thành phố và Đông Nam Bộ tiến vào thời kỳ phát triển mới cùng cả nước. Tuy nhiên, nhiều khó khăn thách thức còn tồn tại đòi hỏi Thành phố và vùng nỗ lực tháo gỡ để khơi thông nguồn lực.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, đột phá về hạ tầng là yếu tố quan trọng nhất, như “xương sống” cho sự phát triển, đang là điểm nghẽn lớn hạn chế sự phát triển toàn diện của TP. Hồ Chí Minh. Nhiều năm qua, thành phố đã gánh vác trọng trách lớn lao của cả nước, điều tiết nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng quốc gia. Điều này phần nào làm cho sự phát triển hạ tầng đô thị bị chậm lại, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng.
Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm như Vành đai 3, Vành 4, mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, hệ thống đường sắt đô thị... không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là định hướng chiến lược để trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội hiện đại của khu vực.
Với hàng loạt công trình được quy hoạch đầu tư trong thời gian ngắn, TP. Hồ Chí Minh cần các cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực cho đầu tư hạ tầng. Đây không chỉ là đầu tư cho thành phố, mà còn là đầu tư cho phát triển đất nước, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.
Ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các điểm nghẽn về thể chế và hạ tầng cần được tháo gỡ, tập trung vào công tác xây dựng nền công vụ phục vụ phát triển và những công trình, dự án trọng điểm làm thay đổi thành phố.
Thành phố đã có những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội tại Nghị quyết 131/2020/QH14 và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, Nghị định 84/2024/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố...
“Đây có thể được xem như những bước đầu cởi trói thể chế, tạo tiền đề để thành phố huy động mọi nguồn lực xã hội, cải cách hành chính, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, giữ vững vị thế đối với vùng và cả nước, hướng đến phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới”, ông Trương Minh Huy Vũ chia sẻ.
Với Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến đến năm 2030, Thành phố sẽ có kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại, từ giao thông, đô thị đến khoa học công nghệ và hạ tầng xã hội khác. Điều này sẽ giải quyết các điểm nghẽn, giúp môi trường, điều kiện sống của người dân và các điều kiện phát triển kinh tế xã hội tốt hơn.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, một khối lượng đầu tư lớn như vậy cần khoảng 5 triệu tỷ đồng. Ở đây đầu tư công chỉ có khoảng 25%, còn lại vốn ngoài ngân sách phải có cơ chế, chính sách thu hút. Để có nguồn huy động ngoài ngân sách, cần khơi thông nguồn lực đất đai, khuyến khích các dự án đầu tư lớn thông qua tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, giải quyết các vướng mắc.
“Tùy theo những công trình dự án cụ thể, sẽ phát hành trái phiếu chính quyền đô thị, trái phiếu công trình dự án để huy động nguồn vốn từ người dân tại thành phố, trong nước và cả kiều bào. Năm 2024, kiều hối chuyển về thành phố 9,6 tỷ USD, nếu có chính sách thì sẽ huy động được một phần trong số này”, ông Mãi chia sẻ.
Theo các chuyên gia, Trung ương cần ban hành thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh để sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông. Cùng với những cơ chế đã được cho phép trước đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ có thêm nguồn lực đầu tư các dự án, nhất là công trình kết nối liên vùng. Điều này giúp Thành phố bước sang giai đoạn phát triển mới, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.