Hạ tầng liên kết vùng để TP. Hồ Chí Minh bước vào kỷ nguyên mới - Bài 1: Kết nối còn thiếu và yếu

Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải là một trong những yếu tố quan trọng đề thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Chú thích ảnh
Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Đối với TP. Hồ Chí Minh, với vai trò là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố cũng như hạ tầng liên kết vùng là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, qua đó đưa thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn nữa, qua đó cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Để làm rõ hơn vấn đề này, TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết với chủ đề "Hạ tầng liên kết vùng để TP. Hồ Chí Minh bước vào kỷ nguyên mới" trong đó chỉ ra những điểm còn yếu và thiếu cũng như gợi mở các giải pháp cho việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng liên kết vùng cho thành phố. 

Bài 1: Kết nối còn thiếu và yếu

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, TP. Hồ Chí Minh đã khẳng định được vị trí trong nền kinh tế - xã hội cả nước. Để TP. Hồ Chí Minh bứt tốc giai đoạn tới, hạ tầng giao thông được xem là “huyết mạch” cho phát triển. Tuy nhiên, bức tranh hạ tầng giao thông vẫn là bài toán đầy thách thức cho thành phố, khi chưa có tuyến vành đai hoàn chỉnh và cao tốc kết nối đã quá tải.

Vành đai còn dở dang

Những năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP. Hồ Chí Minh – Long Thành... Hệ thống hạ tầng giao thông và các tuyến cao tốc đang tiếp tục được đầu tư, tạo không gian phát triển mới, động lực mới, thúc đẩy liên kết vùng.

Thành phố là đầu mối giao thông – cửa ngõ kết nối quốc tế cho vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Có thể thấy, TP. Hồ Chí Minh nằm ở vị trí địa lý chiến lược, là cửa ngõ chính của Việt Nam ra biển Đông. Điều này mang lại lợi thế về giao thương quốc tế, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch và hậu cần biển. 

Tuy nhiên, hiện hạ tầng giao thông TP. Hồ Chí Minh còn khá thiếu so với yêu cầu phát triển khi các tuyến vành đai chưa được hoàn thành. Vành đai 2 triển khai hàng chục năm qua nhưng chưa thể khép kín, trong khi Vành đai 3 dự kiến phải đến năm 2026 mới hoàn thành.

Cụ thể, Vành đai 2 TP. Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 64 km, trong đó thành phố đã đưa vào khai thác các đoạn có dài 50 km. Tuyến này còn 4 đoạn chưa được xây dựng để khép kín. Đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa chiều dài 2,75 km theo hợp đồng BOT, đã ngừng thi công nhiều năm nay do khó khăn, vướng mắc. 

Hơn 1 năm nay, Thành phố đã triển khai thủ tục đầu tư cho 2 đoạn phía Đông. Hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp dài hơn 3,5 km và đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,5 km đang được thực hiện. Đoạn còn lại từ Quốc lộ 1 (nút giao An Lập) đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3 km vẫn chưa được triển khai.

Giám đốc Sở Giao thông Vậi tải TP. Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, với dự án Vành đai 2, TP. Hồ Chí Minh đã có chủ trương đầu tư các đoạn ở phía Đông. Hiện dự án đã được duyệt và Thành phố đang tập trung bồi thường để có thể khởi công vào quý II/2025, sớm khép kín tuyến.

Với Vành đai 3, ông Trần Quang Lâm cho biết, dự án hiện đạt khối lượng gần 30%, phấn đấu giữ tiến độ năm 2025 cơ bản hoàn thành thông xe một số đoạn và năm 2026 thông xe toàn tuyến. Với Vành đai 4, TP. Hồ Chí Minh đã trình Chính phủ, Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia và sẽ thẩm định trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, Vành đai 3 và Vành đai 4 rất quan trọng, giúp kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, qua đó giảm tải áp lực giao thông nội đô. Cùng với vành đai, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương biên giới và kết nối trong vùng, cần sớm được xây dựng.

Thiếu tuyến kết nối

Vùng Đông Nam Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh cả nước; với TP. Hồ Chí Minh được xác định là hạt nhân, cực tăng trưởng. TP. Hồ Chí Minh là một trung tâm lớn, có vai trò động lực, “đầu tàu dẫn dắt” của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đồng thời còn là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.

Dù hội tụ những tiềm năng lợi thế vượt trội nhưng liên kết vùng còn tồn tại nhiều bất cập, được thể hiện qua sự suy giảm trong tốc độ tăng trưởng thời gian gần đây. Mạng lưới kết cấu hạ tầng nội vùng Đông Nam Bộ và liên vùng còn thiếu, chưa đồng bộ. 

Thực trạng hiện nay được thể hiện rõ tại “đầu tàu” TP. Hồ Chí Minh. Trong khi các tuyến vành đai chưa hoàn chỉnh, thì hai cao tốc kết nối TP. Hồ Chí Minh đưa vào khai thác chưa lâu, đã quá tải trầm trọng. Theo các chuyên gia, sự đầu tư đồng bộ vào hạ tầng giao thông và logistics không chỉ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực mà còn tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển đô thị thông minh.

Xác định yêu cầu trên, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết: Trong năm 2025, Thành phố sẽ rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành đối với các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt các dự án có tính chất kết nối giữa các khu vực của TP. Hồ Chí Minh và kết nối liên vùng với các tỉnh Đông Nam Bộ trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị đầu tư khép kín Vành đai 2 (đoạn 4); xây dựng đường trục Đông Tây (đường Võ Văn Kiệt) nối dài từ Quốc lộ 1 đến ranh tỉnh Long An, xây dựng Vành đai 4... Thành phố cũng sẽ khởi công xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh (Ban Giao thông), năm 2025 sẽ là một năm của những dự án kết nối liên vùng. Đó là khởi công cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đẩy nhanh tiến độ Vành đai 3, phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư Vành đai 4 và mở rộng các tuyến cao tốc cửa ngõ như Long Thành - Dầu Giây, thông xe Bến Lức - Long Thành. 

Hiện Ban Giao thông được giao phối hợp Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu khoảng 40 dự án nữa, trong đó có những trục lớn như trục động lực Quốc lộ 50B kết nối TP. Hồ Chí Minh với Long An; hoàn thành và đưa vào khai thác toàn bộ Quốc lộ 50, nút giao An Phú, Mỹ Thủy; phấn đấu hoàn thành 14,7 km Vành đai 3 ở Thủ Đức.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Thành viên Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98/2023/QH15) cho rằng, kết nối vùng và liên vùng của TP. Hồ Chí Minh không chỉ cho TP. Hồ Chí Minh, mà sẽ bao gồm cả kết nối Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Trong đó, Đông Nam Bộ tạo thế kết nối công nghiệp và dịch vụ, còn Tây Nam Bộ tạo thế kết nối vùng nguyên liệu và tài nguyên tự nhiên.

Theo ông Nguyễn Trọng Hoài, kết nối cơ sở hạ tầng giao thông đặc biệt quan trọng cho TP. Hồ Chí Minh giảm chi phí vận chuyển và tắc nghẽn đô thị, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và tăng cơ hội thu hút nhà đầu tư. Các nỗ lực kết nối vùng giữa TP. Hồ Chí Minh với các vùng như hệ thống metro, cao tốc quốc gia, vành đai đang có nhiều chuyển động chủ động từ lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh.

Bài cuối: Khơi thông cửa ngõ

Tiến Lực (TTXVN)
Hạ tầng liên kết vùng để TP. Hồ Chí Minh bước vào kỷ nguyên mới - Bài cuối: Khơi thông cửa ngõ
Hạ tầng liên kết vùng để TP. Hồ Chí Minh bước vào kỷ nguyên mới - Bài cuối: Khơi thông cửa ngõ

Để TP. Hồ Chí Minh tháo gỡ những vướng mắc về hạ tầng và phát triển nhanh trong thời gian tới, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm cần sớm được triển khai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN