Đồng tình với ý kiến của một số đại biểu tham luận tại phiên họp, nhiều cử tri Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đến vấn đề làm thế nào để sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, tránh lãng phí ngân sách nhà nước, nhất là trong bối cảnh chung giải ngân đầu tư công còn quá chậm.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 25/5, tỷ lệ giải ngân đầu tư công mới đạt 13,5% so với tổng kế hoạch vốn giao. Các cử tri cho rằng, tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành một số dự án trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia còn chậm sẽ gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đất nước sau đại dịch.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, trong đầu tư công, gói lớn nhất là xây dựng hạ tầng giao thông; nếu giải ngân nhanh, với khối lượng thực hiện đúng kế hoạch đề ra sẽ là tiền đề để đất nước vượt qua khủng hoảng và tái phát triển sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, việc chậm giải ngân là căn bệnh cố hữu lâu nay ở Việt Nam, làm giảm hiệu quả sử dụng đồng vốn ngân sách. Nguyên nhân có nhiều, song chủ yếu là do công tác lập kế hoạch chưa sát thực tiễn. Đây cũng là lý do Trung ương quyết định điều chuyển vốn đầu tư công ở những địa phương, dự án giải ngân còn chậm, không đúng tiến độ để bổ sung vốn cho những dự án giải ngân tốt, có nhu cầu vốn. Điều này là cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan nhưng đang là vướng mắc trực tiếp trong việc triển khai giải ngân đầu tư công. Đó là giá nguyên vật liệu xây dựng đều tăng mạnh khiến các nhà thầu, doanh nghiệp không chủ động được trong việc triển khai thi công dự án, lo ngại không thể quyết toán, ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Do đó, việc lựa chọn Ban quản lý dự án có năng lực, có thể có những giải pháp phù hợp để triển khai dự án đúng tiến độ.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chậm triển khai và phân bổ vốn đầu tư công sẽ ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phục hồi của nền kinh tế mới vực dậy sau đại dịch.
Việc chậm giải ngân đầu tư công có nhiều nhiều nguyên nhân; trong đó, phải kể đến việc chậm giải ngân do vướng quá nhiều các thủ tục hành chính, vì phải qua nhiều Bộ, ngành khác nhau như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Việc áp giá trong đền bù giải pháp mặt bằng còn nhiều phức tạp, chưa rõ ràng nên chậm đến tay người dân, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, một bộ phận cán bộ sợ làm sai, sợ hồi tố trách nhiệm nên không dám quyết định, chủ động trong việc triển khai dự án đầu tư công hoặc liên quan đến vấn đề sở hữu công, cũng dẫn đến tiến độ dự án bị ảnh hưởng.
“Qua theo dõi tình hình giải ngân đầu tư công và một số vụ việc vừa qua, nếu chúng ta quản lý lỏng lẻo trong việc triển khai các dự án đầu tư công, có thể sẽ gây thất thoát ngân sách nhà nước thông qua các hành vi gian dối, kê khai khống để lấy tiền. Tuy nhiên, nếu quản lý chặt quá, sẽ khiến dự án vận hành không trôi chảy. Do đó, ở mỗi dự án, cần lựa chọn đội ngũ Ban Quản lý dự án là những người có trình độ, bản lĩnh, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm; đồng thời có đội ngũ luật sư nắm rõ các luật, quy định nhà nước ở trong các Ban Quản lý dự án, để khi cần trình, lập và triển khai dự án thì bộ phận này phải theo dõi, tham vấn cho người chịu trách nhiệm dự án tuân thủ pháp luật và vận hành dự án theo tiến độ kế hoạch đề ra”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình nói.