Dự Hội nghị có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái... cùng 120 đại biểu người có uy tín tiêu biểu đại diện cho 1.158 người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số.
Yên Bái có 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 55%. Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái đã phát huy tốt vai trò, trọng trách được cộng đồng bình chọn, suy tôn, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Năm 2018, toàn tỉnh có 120 đại biểu là những tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong việc vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu; đồng hành cùng với cấp uỷ, chính quyền các cấp phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; là lực lượng quan trọng góp phần xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể nhân dân vững mạnh, toàn diện.
Nhiều người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, động viên con, cháu, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa bỏ những tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra những mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Điển hình như ông Lý Nhà Chảo ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, đã năng động lựa chọn các loại giống, cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế gia đình và nuôi ong lấy mật, hàng năm cho thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng. Mô hình phát triển du lịch cộng đồng của ông Tòng Văn Dom ở thị Trấn Mù Cang Chải mỗi năm thu được trên 100 triệu đồng...
Không chỉ là những tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số còn là những tuyên truyền viên tích cực, đồng hành với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cơ sở tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các phong trào, các cuộc vận động.
Nhiều người đã tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, ngày công lao động để giải phóng mặt bằng, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi; tích cực tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc. Tiêu biểu như ông Lò Minh Tâm ở phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ hay ông Hoàng Tương Lai ở xã Xuân Lai, huyện Yên Bình đã vận động nhân dân thay đổi các tập tục lạc hậu, xây dựng hương ước, quy ước của địa phương...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc biểu dương những kết quả hoạt động của đội ngũ những người có uy tín trong đòng bào dân tộc thiểu số đạt được thời gian qua.
Thời gian tới, những người có uy tín tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ bà con đã tin cậy trao cho; luôn gương mẫu, sống có nghĩa tình, truyền dạy cho con, cháu tự hào về nguồn cội của mình, giữ gìn nét đẹp truyền thống; bồi đắp đức tính cần cù, chịu khó, yêu cái tốt, ghét cái xấu; tự tin, hòa đồng giữa các dân tộc; chung sức đồng lòng, cùng phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến cũng khẳng định: Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục tham mưu cho Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cộng đồng các dân tộc thiểu số đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Theo đồng chí Đỗ Đức Duy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, thời gian tới, các cấp ủy và chính quyền tỉnh Yên Bái tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; tập trung thực hiện tốt các giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; quan tâm bồi dưỡng, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt quan tâm đến những chủ trương, chính sách mới như việc cơ cấu lại bộ máy tổ chức, sắp xếp lại thôn, bản, tổ dân phố; xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập...
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm hơn nữa đến công tác dân tộc, đặc biệt là vai trò, vị trí của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong sự nghiệp đổi mới; tạo điều kiện cho người có uy tín tham gia góp ý xây dựng các chính sách, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời, đề nghị đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy hơn nữa uy tín, vai trò, trách nhiệm của cá nhân; tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...
Dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tặng quà cho 120 đại biểu, UBND tỉnh Yên Bái tặng bằng khen cho 29 cá nhân là người uy tín tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2012 - 2018.