Hiện toàn vùng Đông Bắc gồm 11 tỉnh là Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai và Yên Bái, với hơn 6 nghìn người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều lứa tuổi và hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ông Ma Thanh Sợi, hơn 70 tuổi, Bí thư Chi bộ thôn bản Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai là người có uy tín trong lòng đồng bào dân tộc thiểu số, rất được bà con trong thôn bản quý trọng. Ảnh: Hương Thu/TTXVN |
Đại đa số người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực sự là “cầu nối” đưa những chủ trương, chính sách đến với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng là "cánh tay nối dài" giúp lực lượng công an trong công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, hoạt động chia rẽ đoàn kết dân tộc, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch, phản động, nhằm chống phá cách mạng nước ta.
Trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã xuất hiện nhiều tấm gương người có uy tín thực sự gương mẫu, tiêu biểu đã vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và bình yên thôn, bản.
Tuy nhiên, trong công tác phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Đông bắc, vẫn còn những tồn tại như một số nơi chưa chủ động phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; việc vận động bầu chọn, lập danh sách, thực hiện chế độ chính sách đối với người có uy tín còn nhiều bất cập.
Nhân dịp này, Bộ Công an đã khen thưởng và trao Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” cho các tập thể, cá nhân và người có uy tín tiêu biểu vùng Đông Bắc.