Đời sống của đồng bào Đắk Lắk ngày càng nâng cao

Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã nhận được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ thông qua các chương trình, chính sách và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ... Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.

Cây cà phê là cây làm giàu của đồng bào. Ảnh: Dương Giang - TTXVN


Thực hiện đường lối đổi mới, tỉnh Đắk Lắk đã phát huy tinh thần Chiến thắng 10/3, truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, giành được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, trong đó, đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo bà Mai Hoan Niê Kdăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, các chương trình, chính sách phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, được đồng bào nhiệt tình hưởng ứng, nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa ngày được nâng cao.

Từ năm 1998 đến nay, Trung ương và địa phương đã ban hành 62 văn bản quy định về chính sách đầu tư đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn của cả vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng; trong đó, có 10 chương trình, chính sách do địa phương ban hành, thực hiện như Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 135, 168, 132, 134, 167… Các chương trình, chính sách này đã đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nguồn kinh phí lên đến hơn 4.040 tỷ đồng. Nhờ vậy, trên 28.755 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có nhà ở, nhà rách nát, nhà tạm, nay đã có nhà ở khang trang để ổn định cuộc sống. Tỉnh cũng giải quyết đất ở cho 5.531 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với diện tích 144,51 ha (bình quân 260 m2/hộ), giải quyết cho 7.737 hộ thiếu đất hoặc không có đất sản xuất, với diện tích hơn 2.771 ha. Bên cạnh việc cấp đất sản xuất, tỉnh Đắk Lắk còn áp dụng các hình thức khác như hàng ngàn lao động, gia đình được nhận vào làm công nhân ở các doanh nghiệp, giao khoán quản lý bảo vệ rừng, hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò)…

Khám chẩn đoán bệnh cho nhân dân. Ảnh: Dương Giang - TTXVN


Trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đã xuất hiện hàng ngàn gương điển hình là đồng bào dân tộc thiểu số, lớp người tiêu biểu của thế hệ mới có trình độ học vấn, am hiểu khoa học công nghệ, mạnh dạn đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, không chỉ biết làm giàu cho chính bản thân, gia đình mình, mà còn giúp đỡ cộng đồng nơi cư trú thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Anh Y Hom Niê, ở buôn Krum B, xã Cư Bao (huyện Krông Búk) hiện có gần 90 ha cao su, cà phê hay như anh Y On Niê, ở buôn Sút, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) có 28 ha cà phê, cao su. Cả hai anh đều là người dân tộc Êđê, mỗi năm có thu nhập hàng tỷ đồng.

Hiện phần lớn đồng bào dân tộc Êđê, M’nông, Gia rai… ở Đắk Lắk không còn sản xuất lạc hậu mà đã đưa các phương tiện cơ giới vào phục vụ sản xuất từ khâu làm đất đến thu hoạch, vận chuyển về sân phơi, nhà kho. Đồng bào đã đưa các loại giống mới từ cây, con vào sản xuất, áp dụng các biện pháp thâm canh cây trồng nên năng suất, sản lượng hàng năm luôn đạt khá. Ông Y Me Niê, dân tộc Êđê, Buôn trưởng buôn Kalia, phường Đạt Hiếu (thị xã Buôn Hồ) phấn khởi cho biết: "Hiện nay, buôn Kalia không còn hộ đói, nghèo, các hộ đều có thu nhập từ trung bình trở lên, không còn phải sống du canh, du cư, đói cơm, nhạt muối như trước nữa, con cháu đều được đi học đến nơi đến chốn…".

Năm 2014, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn đã cùng với tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 giảm xuống còn 12,75% (giảm bình quân từ 2 - 3%). 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, có trường tiểu học, các thôn, buôn có nhà trẻ, mẫu giáo; 95% thôn, buôn có điện; gần 97% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; 100% số xã có trạm y tế, có bác sĩ phục vụ tốt yêu cầu khám chữa bệnh cho đồng bào…

Bà Mai Hoan Niê Kdăm cho biết, việc thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và mang lại những hiệu quả rất quan trọng. Tuy nhiên, Chính phủ cần có thêm các chính sách tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng khác cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ về giá và hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển bền vững đối với các cây trồng, mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu; có cơ chế về quản lý, lồng ghép các chương trình, dự án được thực hiện trên cùng một địa bàn, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số hơn nữa.   


Quang Huy

Đồng bào Ê đê ở Ea Tul  xây dựng nông thôn mới
Đồng bào Ê đê ở Ea Tul xây dựng nông thôn mới

Diện mạo nông thôn ở các buôn, làng Ea Tul huyện CưMgar, tỉnh Đắk Lắk ngày càng đổi mới, tạo niềm tin cho nhân dân các dân tộc trong xã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN