Diện mạo nông thôn ở các buôn, làng Ea Tul huyện CưMgar, tỉnh Đắk Lắk ngày càng đổi mới, tạo niềm tin cho nhân dân các dân tộc trong xã.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Ea Tul, đã triển khai nhiều nội dung trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, hệ thống chính trị nhằm phát triển nông thôn theo hướng toàn diện và bền vững. Sắp ô tô lên… rẫyChúng tôi về Ea Tul vào thời điểm bà con đồng bào Ê đê ở các buôn, làng trong xã đang tập trung thu hoạch đợt cà phê cuối vụ. Trước sân nhà nào, nhà ấy đều đỏ au một màu quả cà phê. Xe chúng tôi dừng trước cổng nhà ông Y Wữn Ayun, dân tộc Ê đê, buôn Tu, một trong những “đại gia” cà phê và cao su của xã Ea Tul. Ông Y Dheh AYũn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Giờ này Y Wữn Ayun chạy ô tô lên rẫy rồi, để tui gọi di động xem ông ấy có về được không. Nhà này năm nay được mùa cà phê nên phải thuê lao động thu hoạch, ông ấy bận lắm”.
Trong quá trình làm đường giao thông nông thôn, nhiều hộ dân tự nguyện tháo gỡ hàng trăm mét tường rào, chặt bỏ hàng trăm cây cà phê, cây ăn trái nhưng không đòi hỏi tiền đền bù. |
Tôi đi nhiều nơi, biết nhiều địa phương giàu lên từ những mô hình trang trại, sản xuất qui mô lớn, nhưng khi đến Ea Tul thật ngỡ ngàng bởi tận mắt chứng kiến đồng bào Ê đê nơi đây bây giờ lên rẫy bằng ô tô riêng. Như lời Bí thư đảng ủy xã cho hay, chỉ sau 15 phút, ông Y Wữn Ayun đã tự lái chiếc xe Ford bán tải chạy thẳng vào ga-ra trong nhà. Chiếc mũ phớt ông đội vẫn còn bám đầy lá và hoa cà phê. Ông Y Wữn Ayun cho biết, năm nay ông đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn còn lên rẫy được. Các con của ông đã lớn và đã lập gia đình riêng, tách hộ đều được ông cho mấy rẫy cà phê, con nào cũng có của ăn, của để. Ông cho biết: “Năm nay cao su rớt giá, nhưng bù lại cà phê lại thắng lợi. Hiện gia đình ông có 7 ha cà phê và 20 ha cao su, mỗi tháng phải thuê 20 lao động là những hộ nghèo của địa phương chăm sóc cà phê và cao su với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, chưa kể tiền ăn uống và bảo hiểm y tế”. Trừ mọi chi phí và công chăm sóc, riêng vụ cà phê năm nay, gia đình ông Y Wữn Ayun thu về trên 100 triệu đồng.
Bí thư đảng ủy, Y Dheh AYũn cho biết: "Ea Tul có diện tích tự nhiên 5.600 ha với 2.038 hộ sống ở 12 thôn, buôn; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 98%. Ngành nghề chính của bà con dân tộc thiểu số chủ yếu trồng cao su, cà phê, điều, hồ tiêu. Năm 2014, xã Ea Tul đã có 80 hộ thoát nghèo, góp phần đưa số hộ nghèo của xã giảm còn 6,1%". Hiện nay đường giao thông nông thôn (GTNT) của xã Ea Tul cơ bản đã được cứng hóa góp phần giúp cho việc đi lại của người dân thuận lợi hơn. Nhờ có giao thông thuận lợi mà nhiều gia đình đã sắm được phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất như xe ô tô, máy cày, máy kéo phục vụ cho việc vận chuyển, chăm sóc cao su, cà phê…
Hiệu quả từ công tác tuyên truyềnDo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nên năm 2014 xã Ea Tul đã có 22 hộ hiến đất làm đường GTNT với diện tích trên 5.000m2, chủ yếu là ở các buôn Pơr, buôn Tu, buôn Trĩa và thôn Thạch Hà. Trong quá trình làm đường GTNT, các hộ dân tự nguyện tháo gỡ hàng trăm mét tường rào, chặt bỏ hàng trăm cây cà phê, cây ăn trái nhưng không đòi hỏi tiền đền bù. Nhờ đó mà trong năm 2014, xã Ea Tul đã làm được 17,2km đường GTNT, trong đó có 4,5km tại buôn Hra A, buôn Trĩa, buôn Brah, buôn Tu. Ngoài ra, Ban xây dựng NTM của xã còn vận động các hộ gia đình khơi thông 9,5km cống rãnh, phát quang và nạo vét kênh mương, cống thoát nước. Vận động người dân tham gia 1.235 ngày công đào, đắp đường nội địa và giao thông nội đồng để khắc phục những đoạn đường hư hỏng, xuống cấp, thuận tiện cho việc vận chuyển cao su, cà phê của nhân dân.
Nhờ có giao thông thuận lợi mà gia đình ông Y Wữn Ayun đã sắm được nhiều phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất như xe ô tô, máy cày, máy kéo phục vụ cho việc vận chuyển, chăm sóc cao su, cà phê. |
Ông Y Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tul cho rằng, có được kết quả trên là nhờ có sự đồng thuận hưởng ứng của người dân trên địa bàn đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua công tác tuyên truyền, cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân nâng cao ý thức xây dựng NTM với tinh thần, nội dung người dân là chủ thể chính trong xây dựng NTM. Chính vì vậy mà nhận thức của người dân về xây dựng NTM đã có chuyển biến tích cực. Nhìn chung đa số cán bộ, nhân dân đã nhận thức được xây dựng NTM là làm cái gì, trách nhiệm của người dân như thế nào, làm cho ai và ai là người được thụ hưởng. Ngoài các chương trình lớn, UBND xã còn vận động nhân dân thực hiện chương trình xã hội hóa làm đường GTNT, làm sân trường, tường rào, bồn hoa, cây cảnh, bếp ăn… cho học sinh bán trú. Trong năm 2013 và 2014, chương trình xã hội hóa được người dân đóng góp với tổng số tiền gần 400 triệu đồng.
Cũng theo ông Y Đức, năm qua, thực hiện chương trình đầu tư hỗ trợ sản xuất theo Quyết định 1183/QĐ/UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk, Văn phòng điều phối của tỉnh đã lựa chọn xây dựng 8 mô hình nuôi bò lai shin, mỗi mô hình một cặp bò trị giá 25 triệu đồng, 7 mô hình tưới nước cho cà phê nhỏ giọt, hỗ trợ hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp 8.000 bịch nấm nguyên liệu… tạo điều kiện để người dân làm giàu từ mô hình NTM. Bên cạnh đó, công tác chăm lo đến đời sống hộ nghèo, thực hiện chương trình cấp giống cây trồng vật nuôi, muối i-ốt, hỗ trợ tiền điện, vay vốn phát triển sản xuất, cấp gần 9.000 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách xã hội, chính sách người có công và bảo trợ xã hội… luôn được quan tâm. Phối hợp với Phòng nông nghiệp huyện CưMgar tổ chức thực hiện chương trình phát triển kinh tế buôn Hra A với nguồn vốn đầu tư trên 500 triệu đồng bằng hình thức cấp con giống và cây giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân ở buôn Hra A để phát triển kinh tế.
Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn