Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Bộ Ngoại giao, ông Lê Quốc Minh, Bí thư Đảng ủy - Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), hơn 50 nhà báo và đại diện các cơ quan truyền thông Việt Nam; đại diện của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Văn phòng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của OIF và Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF), Viện quốc tế Pháp ngữ có trụ sở tại Lyon (Cộng hòa Pháp)...
Hội thảo là dịp để các nhà báo hiểu sâu hơn về Cộng đồng Pháp ngữ cũng như vai trò, vị thế và triển trọng phát triển của Việt Nam trong cộng đồng này.
Phát biểu khai mạc hội thảo Phó Tổng giám đốc Lê Quốc Minh khẳng định: “Sự kiện không chỉ nhằm mục đích tôn vinh cộng đồng các quốc gia, lãnh thổ, các tổ chức và thể chế sử dụng tiếng Pháp, mà còn góp phần giới thiệu để báo chí trong nước hiểu thêm về vai trò và hoạt động của tổ chức quốc tế này, cũng như sự tham gia của Việt Nam với tư cách là thành viên đầy đủ và có trách nhiệm"
"Hội thảo cũng góp phần tăng cường sự đoàn kết của các đối tác Pháp ngữ tại Việt Nam, khẳng định sự năng động của các đơn vị làm báo bằng tiếng Pháp của TTXVN và đặc biệt là báo Le Courrier du Vietnam cũng như vai trò của Văn phòng khu vực Châu Á - Thái Bình của OIF trong việc nâng cao vị thế, uy tín ở Việt Nam và trong khu vực", đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Các tham luận tại hội thảo tập trung vào những vấn đề như: Lịch sử phát triển của Cộng đồng Pháp ngữ; AUF và các chương trình đào tạo; Hợp tác kinh tế trong Cộng đồng Pháp ngữ cơ hội và thách thức đối với Việt Nam; Pháp ngữ và tiếng Pháp trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; Hoạt động của OIF trong lĩnh vực báo chí. Ngoài ra, các đại biểu còn tập trung thảo luận về các phương hướng hành động nhằm tiếp cận thông tin Pháp ngữ và hợp tác giữa các cơ quan truyền thông…
Theo Phó Tổng giám đốc Lê Quốc Minh, là cơ quan thông tin chính thức của Nhà nước Việt Nam, TTXVN có 63 cơ quan đại diện trong nước, 30 văn phòng ở nước ngoài và có mối quan hệ hợp tác với hơn 40 cơ quan thông tấn báo chí quốc tế. TTXVN cũng là kênh thông tin đối ngoại hàng đầu của Việt Nam với các ấn phẩm và chương trình được sản xuất bằng 10 thứ tiếng, góp phần đưa Việt Nam đến với thế giới và mang thế giới đến với Việt Nam.
Cũng theo Phó Tổng giám đốc Lê Quốc Minh, TTXVN có nhiều nhà báo nói tiếng Pháp và có các ấn phẩm bằng tiếng Pháp, có thể nói là lớn nhất ở Việt Nam, với hơn 50 các nhà báo Pháp ngữ hiện đang làm việc trong Tiểu ban tiếng Pháp - Ban biên tập Tin Đối ngoại, các phiên bản tiếng Pháp của Báo ảnh Việt Nam, Việt Nam Plus, các bản tin tiếng Pháp và chuyên đề “Không gian Pháp ngữ" phát trên kênh Truyền hình Thông tấn - Vnews và đặc biệt là tuần báo tiếng Pháp duy nhất của Việt nam, Le Courrier du Vietnam. Các đơn vị sản xuất thông tin này hiện đang đóng vai trò chủ đạo và là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ. Đồng thời khẳng định sự ủng hộ của TTXVN trong việc phát triển Pháp ngữ ở Việt Nam, tạo điều kiện để các đơn vị thông tin bằng tiếng Pháp của TTXVN hoàn thành nhiệm vụ quan trọng của mình.
Gia nhập Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) từ năm 1970, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến thúc đẩy hợp tác và tăng cường đối thoại giữa các nước thành viên trong cộng đồng. Tháng 11 năm 1997, Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 7 được tổ chức tại Hà Nội.
Ông Chékou Oussouman, Trưởng đại diện khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ phát biểu tại hội thảo, cho biết: Các mục tiêu của OIF là thúc đấy sự phát triển của tiếng Pháp, sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ cũng như các nền văn hóa khác nhau được thể hiện trên khắp các lãnh thổ của Cộng đồng Pháp ngữ.
Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) được thành lập vào năm 1970, hiện có 88 nước thành viên, trong đó có 27 quan sát viên, hiện diện ở khắp 5 châu lục trên thế giới. Với 1,2 tỉ người, Cộng đồng Pháp ngữ chiếm 16% dân số thế giới và 16,5% tổng tài sản được tạo ra trên toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1986 và từ đó diễn ra hai năm một lần.