Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chào mừng Tổng Thư ký Pháp ngữ và Đoàn đại biểu đến thăm chính thức Việt Nam; bày tỏ vui mừng mối quan hệ hợp tác Việt Nam và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ ngày càng phát triển tốt đẹp. Phó Chủ tịch nước tin tưởng, chuyến thăm của bà Louise Mushikiwabo sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai bên thời gian tới.
Phó Chủ tịch nước khẳng định sự tham gia, đóng góp của Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ phù hợp với chủ trương chính sách đối ngoại của Việt Nam: đa dạng hóa, chú trọng và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên tinh thần đó, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ nói chung, với các nước thành viên Pháp ngữ nói riêng được tăng cường, thúc đẩy trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục đào tạo…
Trong bối cảnh các thách thức toàn cầu gia tăng hiện nay, Phó Chủ tịch nước cho rằng, các thể chế đa phương, trong đó có Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng có vai trò quan trọng. Việt Nam ủng hộ và mong muốn đóng góp nguồn lực vào nỗ lực chung của cộng đồng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển trong không gian Pháp ngữ nói riêng, phạm vi toàn cầu nói chung. Bên cạnh đó, Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác giáo dục, giảng dạy và sử dụng tiếng Pháp. Hiện nay, tại Việt Nam, tiếng Pháp được giảng dạy tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt tại những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Cần Thơ…
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, đạt được những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành hầu hết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và đang tích cực triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế Pháp ngữ. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hợp tác cùng phát triển với các nước thành viên.
Phó Chủ tịch nước nêu rõ, tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tổ chức tại Hà Nội năm 1997, Việt Nam đã khởi xướng và cùng các nước Pháp ngữ nêu bật tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ.
Phó Chủ tịch nước mong muốn bên cạnh việc thúc đẩy đa dạng hóa ngôn ngữ và văn hóa, Cộng đồng Pháp ngữ đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tin tưởng, với 88 thành viên, chiếm gần 20% trao đổi thương mại thế giới, Cộng đồng Pháp ngữ có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên. Việt Nam ủng hộ nội dung hợp tác ưu tiên phát triển kinh tế trong Pháp ngữ.
Cùng với đó, Việt Nam sẵn sàng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm về quá trình xây dựng đất nước với các nước thuộc Cộng đồng Pháp ngữ, đặc biệt các nước bạn bè châu Phi. Từ năm 2014, Việt Nam đã cử các sỹ quan quân đội tham gia các hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Trung Phi; hiện có bệnh viện dã chiến cấp hai tham gia các hoạt động này.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: Năm 2020 là năm bản lề đối với Pháp ngữ, đánh dấu 50 năm ra đời, phát triển. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Cộng đồng Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương, thời gian tới, Việt Nam sẽ nỗ lực góp phần tăng cường hình ảnh và sự hiện diện của Pháp ngữ tại khu vực; sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy quan hệ Cộng đồng Pháp ngữ và ASEAN.
Cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Việt Nam trong chuyến công tác, Tổng Thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo khẳng định tầm quan trọng và vai trò tích cực của Việt Nam với Cộng đồng Pháp ngữ; vai trò Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ hòa bình tại châu Phi cũng như các hoạt động giảng dạy tiếng Pháp tại nhà trường, qua đó góp phần gắn kết các thành viên tổ chức Pháp ngữ. Chúc mừng Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Tổng Thư ký Pháp ngữ tin tưởng Việt Nam sẽ tích cực góp phần mang lại sự ổn định, hòa bình thế giới nói chung, không gian Cộng đồng Pháp ngữ nói riêng.