Madiambal Diagne, Chủ tịch UPF, nhấn mạnh "số lượng gần 400 lãnh đạo, quản lý và phóng viên các cơ quan truyền thông Pháp ngữ của gần 60 nước cùng có mặt ở thủ đô Cameroon trong thời điểm này cho thấy tầm quan trọng của chủ đề, cũng như mối quan tâm của những người làm báo đến ảnh hưởng của cảm xúc cá nhân và vai trò của thông tin khách quan trong quá trình tác nghiệp".
Theo ông Madiambal Diagne, hiện nay sự xâm chiếm của cảm xúc đang khiến thế giới và giới truyền thông "trở nên mất kiểm soát". Thậm chí các nhà báo đã quên mất nhiệm vụ thông tin của mình mà chạy theo mục đích cá nhân hoặc phục vụ lợi ích của ai đó. Việc dùng cảm xúc kiểm soát lý trí khiến cho thông tin mất đi tính khách quan, vốn là nền tảng và nguyên tắc cơ bản của báo chí.
Ông nêu rõ :"Vì lợi ích cá nhân, nhiều nhà báo đã tự biến mình trở thành những kẻ theo đuôi, chỉ biết nhắc lại lời của người khác, mà không hề kiểm chứng tính chính xác của thông tin họ đăng tải". Diễn đàn Yaoundé chính là dịp để báo chí cùng nhìn nhận, khẳng định lại quyền của công chúng là được tiếp cận các nguồn thông tin đáng tin cậy, cân bằng và hiệu quả. Ông Madiambal Diagne khẳng định : "Yaoundé sẽ là nơi đánh dấu sự đổi mới trong công tác thông tin, trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự thật và đề cao tính khách quan trong quá trình trong giới báo chí có sử dụng tiếng Pháp".
Chia sẻ quan điểm của Chủ tịch UPF, Thủ tướng Cameroon, Tiến sĩ Joseph Dion Ngute trong phát biểu tại phiên khai mạc cũng thừa nhận truyền thông hiện đang bị "mắc kẹt" trong cuộc đua chạy đến với độc giả, báo chí bị cuốn vào cảm xúc và có nguy cơ xa rời nhiệm vụ chính là thông tin. Ông mong rằng các nhà báo nói tiếng Pháp tận dụng cơ hội gặp gỡ tại diễn đàn này để cùng nhau đề xuất các sáng kiến đổi mới hoạt động báo chí, đồng thời khám phá đất nước Cameroon xinh đẹp và hiếu khách.
Trong ba ngày làm việc, nhiều cuộc hội thảo và tọa đàm bàn tròn được tổ chức với các chủ đề khác nhau như "Cảm xúc trong truyền thông, lợi hay hại với công tác thông tin?"; "Phóng sự ảnh: giữa thông tin và dàn dựng, khi việc tìm kiếm cảm xúc làm sai lệch sự thật"; "Đưa tin về các phong trào dân sự, sự lựa chọn giữa thông tin khách quan và cảm xúc chủ quan"...
Các phiên thảo luận đã mang lại một bức tranh toàn cảnh về thực trạng báo chí hiện nay ở nhiều nước và trên thế giới. Các nhà báo đã trao đổi và chia sẻ về ảnh hưởng của cảm xúc trong quá trình làm báo, sự lạm dụng cũng như tác động tiêu cực của nó đối với xã hội. Các đại biểu đa số là lãnh đạo và quản lý các tòa báo cũng đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm đưa báo chí trở về với các nguyên tắc cơ bản của một nghề được đánh giá là cao quý, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên động lực phát triển xã hội dân chủ và nhân văn.
Dự kiến, Diễn đàn UPF lần thứ 49 sẽ được tổ chức vào năm 2020 ở Tunisia, nước cũng đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ XVIII.
Ra đời năm 1950, UPF là một tổ chức phi chính phủ được thành lập nhằm mục đích bảo đảm quyền tự do thông tin và các giá trị cơ bản của báo chí. Trụ sở chính của UPF đặt tại Paris, thủ đô Cộng hòa Pháp. Tổ chức có gần 60 phân ban với hơn 3.000 nhà báo thành viên hiện đang tác nghiệp tại 110 quốc gia. Phân ban UPF Việt Nam được Thông tấn xã Việt Nam thành lập năm 1997, trong bối cảnh Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ VII tại Hà Nội và Diễn đàn UPF lần thứ 29.