Tổng Thư ký (TTK) OIF Louise Mushikiwabo, Trợ lý TTK LHQ Bintou Keita và Bộ trưởng Ngoại giao Armenia kiêm Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng các nước Pháp ngữ Zohrab Mnatsakanyan đã tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận.
TTK OIF tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác đa phương trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Trong thời gian qua, OIF đã tích cực hợp tác với các đối tác, trong đó có LHQ, trên các lĩnh vực như gìn giữ hòa bình, phòng ngừa và quản lý khủng hoảng, hỗ trợ các nước thành viên tăng cường năng lực tiếng Pháp, bảo đảm đa dạng ngôn ngữ và tăng cường vai trò của phụ nữ.
Trợ lý TTK LHQ hoan nghênh quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa hai tổ chức nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế. Nhiều chương trình hợp tác cụ thể đã được thực hiện trong các lĩnh vực như phòng ngừa xung đột, cảnh báo sớm và duy trì hòa bình bên cạnh các lĩnh vực hợp tác khác như phát triển bền vững, quản trị tốt, dân chủ, pháp quyền, nhân quyền và tăng cường sự tham gia của phụ nữ, thanh niên.
Các nước thành viên HĐBA ghi nhận vai trò của OIF; hoan nghênh OIF thúc đẩy phòng ngừa xung đột, xây dựng hòa bình, nâng cao vai trò của phụ nữ và thanh niên, cũng như tích cực ứng phó với biến đối khí hậu, an ninh mạng; đánh giá cao nhiều sáng kiến, chương trình hợp tác cụ thể của OIF được triển khai trên thực tế. Nhiều nước thành viên HĐBA cho rằng OIF có thể tiếp tục phát huy vai trò trong LHQ và đề nghị hai tổ chức tiếp tục thúc đẩy hợp tác ngày càng chặt chẽ hướng tới duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, hoan nghênh sự đóng góp của OIF đối với công việc của LHQ nói chung và HĐBA nói riêng, thể hiện qua sự tham gia của nhiều nước thành viên OIF vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, phòng ngừa xung đột và thúc đẩy chương trình phụ nữ, hòa bình, an ninh. Đại sứ nhìn nhận hiện nay nhiều thành viên OIF đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như tình trạng xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố và bản thân OIF cũng đang gặp phải những khó khăn như thiếu nguồn lực, khả năng tiếp cận ngôn ngữ của giới trẻ và các sáng kiến kết nối cộng đồng Pháp ngữ.
Bên cạnh đó, Đại sứ Đặng Đình Quý đề nghị OIF cùng LHQ tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật lệ, đóng vai trò ngăn ngừa xung đột, trung gian, hòa giải, thúc đẩy tìm kiếm giải pháp chính trị cho các xung đột và cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình LHQ. Đại sứ đồng thời khẳng định Việt Nam, với tư cách là thành viên của cả OIF và LHQ, sẵn sàng hỗ trợ thúc đẩy quan hệ giữa hai tổ chức.
OIF được thành lập vào năm 1970. Trong thời gian đầu hoạt động, OIF chú trọng hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, kỹ thuật. Năm 2004, OIF hưởng ứng lời kêu gọi của TTK LHQ mong muốn các nước thành viên Pháp ngữ đóng góp cho hoạt động của các phái bộ của LHQ. Cũng từ thời điểm này, các vấn đề chính trị, an ninh được quan tâm thảo luận tại các Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ.